Sabeco: Vừa phục hồi đã vấp phải làn sóng Covid-19 thứ hai
Quý II/2020, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, Mã CK: SAB) ghi nhận doanh thu 7.135 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.215,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 20,5% so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 12.043,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.932,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 34,6% và 31,5% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành được 59,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Ngoài sự suy giảm doanh thu, chi phí lãi vay đột ngột tăng mạnh đến 334%, và phần lãi lỗ ghi nhận công ty liên kết giảm 41% nên kết quả chung là lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 30%, đạt mức 2.417 tỉ đồng.
“Các biện pháp cắt giảm chi phí vẫn là trụ cột quan trọng để kiếm lợi nhuận”, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI vào đầu tháng 7 nhận định. Báo cáo ghi nhận thông tin từ đại hội đồng cổ đông thường niên cho biết Sabeco sẽ còn tiếp tục cắt giảm chi phí trong bối cảnh hiện nay.
Đó cũng có thể xem là một tín hiệu tích cực là Sabeco, mà nhờ đó, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu đã giảm từ mức 75% cùng kỳ về mức trên 70% trong 6 tháng đầu năm nay.
Cắt giảm chi phí là việc mà tỉ phú Thái Lan kiên trì thực hiện kể từ khi chính thức nắm quyền tại Sabeco đến nay. Năm 2019, lợi nhuận của Sabeco lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay (5.370 tỉ đồng) cũng nhờ phần lớn từ việc cắt giảm chi phí.
Có thể thấy, từ đầu năm 2020 tới nay, Sabeco đón nhận 2 cú sốc ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NÐ-CP về hạn chế rượu bia và việc giãn cách xã hội khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chính hai yếu tố này đã thay đổi hành vi người tiêu dùng và ảnh hưởng trọng yếu tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của Sabeco.
Kể từ cuối tháng 4/2020, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động kinh doanh của Sabeco sẽ khôi phục và sản lượng tiêu thụ có thể đã chạm đáy trong quý I/2020. Báo cáo của SSI dẫn lại Tổng cục Thống kê, cho biết sản lượng sản xuất bia đã hồi phục mạnh mẽ sau thời gian giãn cách xã hội.
“Toàn ngành đã có sự phục hồi mạnh trong tháng 5 và tháng 6. Sản lượng bia sản xuất tăng 50%-60% so với mức trung bình 3 tháng trước, trong khi mức tiêu thụ tốt hơn vào mùa hè, cả hai đều được hỗ trợ bởi kinh tế đang phục hồi tương đối tốt do biện pháp ngăn chặn dịch bệnh triệt để của Chính phủ”, báo cáo của SSI đánh giá.
Thế nhưng hoạt động kinh doanh lại phải đối diện với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trở lại. Các kênh tiêu thụ như quán ăn, nhà hàng, khách sạn có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, sản phẩm của Sabeco đứng trước thách thức suy giảm mạnh về lượng hàng bán.
Trong năm nay, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 23.800 tỉ đồng và 3.258 tỉ đồng, lần lượt giảm 37% và 39% so với mức thực hiện năm ngoái. Như vậy tính đến giữa năm nay thì Sabeco đã hoàn thành được lần lượt 50% và 59% kế hoạch năm.
Cần chú ý, đây là kế hoạch thận trọng được đặt ra vào tháng 4, ở thời điểm Việt Nam đang thực hiện chính sách giãn cách xã hội và chưa có một dấu hiệu về khả nặng kiểm soát được dịch bệnh.
Kỳ vọng tăng giá cổ phiếu SAB nhờ thoái vốn nhà nước bị...lãng quên?
Covid-19 quay lại có thể sẽ đảo lộn mọi kỳ vọng khi chưa biết điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai. Trước hết, hành vi tiêu dùng của người dân đang và sẽ thay đổi để thích thức với bối cảnh mới, khả năng tiêu thụ sản phẩm như của Sabeco đứng trước thách thức chững lại và suy giảm. Cổ phiếu SAB hầu như đỏ sàn kể từ giữa tháng 7/2020 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đó, vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, cổ phiếu SAB được giới đầu tư kỳ vọng tăng điểm mạnh nhịp thứ hai sau khi có thông tin Sabeco sẽ thoái 36% vốn còn lại của Bộ Công thương trong thời gian tới.
Tính tới ngày 14/2/2020, trong cơ cấu cổ đông của Sabeco có hai cổ đông lớn là Công tuy TNHH Vietnam Beverage nắm giữ 53,59% vốn điều lệ và Bộ Công thương nắm giữ 36% vốn điều lệ. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất là 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Như vậy, quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 35% vốn điều lệ của một doanh nghiệp trở lên. Khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, đại hội đồng cổ đông sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của đại hội.
Thông tin thoái 36% vốn tại Sabeco là yếu tố kích hoạt dòng tiền chảy vào mã SAB kể từ đầu tháng 7. Thị giá SAB tăng không đến từ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà kỳ vọng từ việc nhóm cổ đông Vietnam Beverage sẽ tham gia mua nốt 36% cổ phiếu SAB tới đây.
Ðà tăng cũng được hỗ trợ trong bối cảnh thị trường thuận lợi, dòng tiền dễ dãi đi tìm những cổ phiếu có câu chuyện riêng để đầu tư.
Thế nhưng, trước những thách thức về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã kể trên, thì dòng tiền khựng lại với mã SAB là dễ hiểu.
Thị trường khó khăn cũng khiến nhà đầu tư nhận ra rằng, yếu tố kỳ vọng tăng giá SAB nhờ thoái vốn nhà nước mà không kèm theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện, chỉ mang tính tâm lý theo thời điểm và rất dễ bị… lãng quên.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ