Lợi nhuận gần gấp đôi kỳ trước chưa ảnh hưởng dịch Covid
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gần đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với lợi nhuận trước thuế cực kỳ ấn tượng: 3.673 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cao hơn tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 6.584 tỷ đồng, tăng tới 52% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo VPBank, điểm nhấn mang lại kết quả tốt về doanh thu và hoạt động cho vay là phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của ngân hàng trước những thách thức bất ngờ của thị trường.
Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong tháng 2/2020, VPBank đã đưa ra những kịch bản kinh doanh mới nhằm tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của doanh thu. Kết thúc 6 tháng đầu năm, khoản thu nhập này tại ngân hàng hợp nhất đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Song song với việc đẩy mạnh thu hồi nợ là các giải pháp quyết liệt đã được thực hiện để kiểm soát rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế đang bất ổn.
VPBank đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận "khủng" này bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Đẩy mạnh cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu
Đầu tiên, nguồn thu chính từ hoạt động tín dụng vẫn tăng trưởng ở mức khá. Cụ thể, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm của VPBank vẫn tăng 8,8% lên trên 15.700 tỷ đồng (trong đó thu nhập lãi thuần trong quý II - quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh giãn cách xã hội - vẫn tăng 3,7%).
Sở dĩ VPBank duy trì được mức tăng trưởng khá như vậy trong bối cảnh nhu cầu vốn tín dụng toàn xã hội yếu đi rõ rệt là bởi ngân hàng này đã chuyển hướng tín dụng: đẩy mạnh cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của VPBank tăng gần 13.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5%) thì có tới 7.600 tỷ đồng tăng thêm là dư nợ cho vay bất động sản, qua đó nâng tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cho vay từ mức 9,48% hồi đầu năm lên mức 11,84%.
Trong khi đó, khoản mục "chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành" (thông thường đa phần là trái phiếu doanh nghiệp) của VPBank đã tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ hơn 14.200 tỷ đồng lên hơn 27.800 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 13.600 tỷ đồng, tức tăng 96%.
Việc chuyển hướng sang cho vay bất động sản và mua trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh tiết lộ trong đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 5 vừa qua.
Ông Vinh cho rằng mặc dù có nhiều cảnh báo về rủi ro khi cho vay bất động sản nhưng trên thực tế, bất động sản là ngành có khả năng thu hồi vốn cao nhất trong và sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, việc chuyển hướng sang mua trái phiếu doanh nghiệp là bước đi tạm thời giúp VPBank cân đối nguồn thu tài chính trong bối cảnh tín dụng đầu ra "èo uột".
Song song với việc chuyển hướng trong hoạt động tín dụng, yếu tố nâng đỡ lợi nhuận cho VPBank trong 6 tháng đầu năm nay còn có thu nhập đột biến từ hai mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư, lần lượt tăng gấp hơn 4 lần và hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 235 tỷ đồng và trên 610 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,07%
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống mức 2,71%, từ mức 2,95% cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống còn 2,07%.
VPBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất trên thị trường. Đến cuối tháng 6/2020, hệ số CAR của VPBank đạt 11,27% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức 8% được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Sự thận trọng trong phòng ngừa rủi ro còn được phản ánh ở tỷ lệ tăng chi phí dự phòng của ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, chi phí dự phòng của VPBank - nếu loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm ngoái - tăng 8,6%. Tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ là gần 30,4%. Theo đại diện ngân hàng, VPBank luôn thận trọng và đủ tiềm lực tài chính phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh khi nền kinh tế đang ở giai đoạn khó lường.
Ngoài ra, kiểm soát tốt và tối ưu hóa các quy trình và chi phí hoạt động cũng đóng một vai trò quan trọng củng cố sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng thời gian qua. Chi phí hoạt động hợp nhất của ngân hàng trong 6 tháng qua thậm chí đã giảm 3%. Nếu đặt cạnh tốc độ tăng trưởng 12% của doanh thu hợp nhất, mức giảm này cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của VPBank từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, chốt kỳ 6 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt gần 18.900 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động nên lợi nhuận thuần sau khi trừ chi phí này đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng 20%.
Chi phí trích lập dự phòng cũng được khống chế ở mức ngang bằng cùng kỳ năm ngoái dù dư nợ cho vay tăng 5%, là yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của VPBank tăng tới 52% dù lợi nhuận thuần "chỉ" tăng 20%.
Xét riêng quý II/2020, trong bối cảnh nguồn thu tăng rất chậm, VPBank đã cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (giảm 16%) và chi phí trích lập dự phòng (giảm 17%).
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ