Fecon: Lãi ròng của Công ty đi lùi đáng kể trong quý II/2020
Quý II/2020 Fecon ghi nhận doanh thuần đạt 762 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 106 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn bộ doanh thu của Công ty trong quý đến từ việc bán hàng, xây lắp và cung cấp dịch vụ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty cũng tăng từ 10% trong quý 2/2019 lên 14% trong quý 2/2020 nhờ điều tiết tốt giá vốn hàng bán.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm từ 120 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng. Doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự gia tăng của các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý mà lãi thuần của Fecon chỉ còn hơn 28 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.
Riêng lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 16 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài kết quả kinh doanh sụt giảm, lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD của FCN cũng ghi nhận mức âm hơn 97 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 78 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của Công ty lần lượt đạt 1,190 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, tương ứng tăng 9% và giảm 74% so với cùng kỳ. Biên lãi ròng bán niên giảm từ 10% xuống còn 3%.
Cổ phiếu sụt giảm
Tổng tài sản của FCN tại thời điểm cuối quý 2 đạt 5.915 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn đạt 4,900 tỷ đồng, tăng 9%; tài sản dài hạn đạt 1,014 tỷ đồng, giảm 12%.
Tài sản ngắn hạn của Fecon tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty tăng 8%, đạt 3.634 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 23%, đạt 831 tỷ đồng (do tăng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang). Đối với tài sản dài hạn, việc sụt giảm chủ yếu đến từ tài sản cố định hữu hình của Công ty giảm hơn 19% về còn 390 tỷ đồng.
Nợ phải trả của FCN tại ngày 30/6 đạt 3.496 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 59% tổng tài sản. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính của FCN đạt 1.341 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm.
Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược từ Trung Quốc - China Harbour Engineering Company Ltd. Mức giá phát hành cho cổ đông chiến lược không thấp hơn 15.000 đồng/cp.
Số tiền dự kiến thu được từ phát hành riêng lẻ là 480 tỷ đồng được dùng để tăng vốn công ty con và bổ sung vốn lưu động. Nếu phát hành thành công, cổ đông chiến lược từ Trung Quốc sẽ sở hữu 20,32% vốn điều lệ của công ty và trở thành cổ đông lớn nhất tại Fecon.
Trên thị trường, sau khi tăng mạnh từ cuối tháng 3, giá cổ phiếu FCN đã quay đầu sụt giảm sau khi chạm mốc 10.950 đồng/cp vào ngày 10/07; hiện đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu FCN đang giao dịch tại mức giá 9.500 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 550 ngàn cp/phiên trong 1 năm trở lại đây.
Hiện đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, cổ phiếu FCN đang giao dịch tại mức giá 9.500 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 550 ngàn cp/phiên trong 1 năm trở lại đây. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ