Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Triển vọng phục hồi thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh

DTVN 10:31 11/07/2020

Các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự hồi phục này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh thu hút nhiều lao động tham gia thị trường việc làm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã bắt đầu hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự hồi phục này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh thu hút nhiều lao động tham gia thị trường việc làm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Hai kịch bản nhu cầu nhân lực

6 tháng đầu năm 2020, do những tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong đó, giải pháp cho lao động giãn việc hoặc nghỉ việc luân phiên được doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất. Tại thời điểm dịch bệnh diễn ra, có khoảng 39,44% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; 22,89% doanh nghiệp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; 18,31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm vật tư, nguyên liệu sản xuất và số còn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Với những tác động này đến thị trường lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) đưa ra 2 kịch bản về thị trường lao động.

TP Hồ Chí Minh triển vọng phục hồi thị trường lao động 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo đó, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ với các ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…; khu vực công nghiệp - xây dựng gồm các ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…. Cụ thể, dự báo nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối năm 2020 của TP. Hồ Chí Minh sẽ duy trì ở nhu cầu khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, khi tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Với việc kiểm soát y tế tốt, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ lễ Tết sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Theo đó, các ngành thuộc khu vực dịch vụ, công nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xuất - nhập khẩu còn bị gián đoạn bởi diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn nhiều phức tạp. Do đó, dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 của TP. Hồ Chí Minh sẽ có tín hiệu khả quan hơn, duy trì ở mức nhu cầu khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc.

Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

FALMI dự báo, trong những tháng cuối năm 2020, xu hướng việc làm của TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại khoảng 22,7%; dịch vụ phục vụ là 7,63%; dệt may - giày da 6,25%; chế biến lương thực - thực phẩm 6,02%; tư vấn chăm sóc khách hàng 5,91%; marketing 5,79%; xây dựng 4,62%; công nghệ thông tin 4,23%; hành chính văn phòng 4,2%; nhóm nghề vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng 3,62%; kinh doanh bất động sản 3,51%…

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng đào tạo, nâng cao. Cụ thể, chất lượng lao động đã qua đào tạo vẫn chiếm 84,5% với trình độ đại học chiếm 20%; cao đẳng chiếm 21%; trung cấp 30% và sơ cấp là 13,5%. Ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, các doanh nghiệp cũng sẽ đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Theo dự báo của FALMI, đây sẽ là những kỹ năng mà người lao động phải thích ứng, thông qua tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2020.

Trong xu hướng mới, công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và tri thức sẽ chiếm ưu thế. Qua đó, người lao động có thể chọn nghề, chọn trường, chọn cấp bậc đào tạo phù hợp với bản thân mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số, chuyển đổi số, logistics… Xu hướng này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Theo Trang Anh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/trien-vong-phuc-hoi-thi-truong-lao-dong-tp-ho-chi-minh-140092.html

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng phục hồi thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương