6 tháng đầu năm BDP giảm 70% doanh thu
Công ty Cổ phần Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (UpCOM: BDP) đã công bố BCTC quý II/2020 với doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 81 tỷ đồng.
Cụ thể doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 106 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thấp trong khi giá vốn hàng bán lên tới 33 tỷ đồng khiến Khách sạn Sheraton Đà Nẵng lỗ gộp gần 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp hơn 35 tỷ đồng.
Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương là chủ một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng mang thương hiệu Sheraton Grand Danang Resort. Khách sạn được xây dựng trên khu đất 8,38 ha thuộc quần thể Dự án Biệt thự và khách sạn tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Sheraton Đà Nẵng được thành lập bởi 3 cổ đông là Vietnam Property Limited (đơn vị thuộc VinaCapital), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Tân Tiến và Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân. Trong đó, Vietnam Property Limited đã nắm giữ tới 97,73% vốn. |
Trong kỳ doanh nghiệp này vẫn phải chi ra tới hơn 37 tỷ đồng chi phí tài chính trong đó ngoài gánh nặng chi phí lãi vay BDP phải bù đắp chi phí vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư số tiền gần 18 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BDP đạt gần 55 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 70% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 149 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần khoản lỗ của nửa đầu năm 2019.
Sheraton Đà Nẵng thua lỗ 5 năm liên tiếp, kỳ vọng tăng trưởng
Từ khi đi vào hoạt động, Sheraton Đà Nẵng hoạt động không mấy hiệu quả và ngập trong thua lỗ.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 4/2019, tuy doanh thu có tăng nhưng do gánh nặng chi phí nên khách sạn này phải báo lỗ.
Cụ thể, trong quý 4/2019, doanh thu thuần tăng 34% ở mức gần 90 tỷ đồng, tuy vậy giá vốn hàng bán chiếm đến 69 tỷ đồng, tương ứng tăng 82% nên lãi gộp chỉ còn 21 tỷ đồng, giảm 30%.
Trong hoạt động tài chính, Sheraton Đà Nẵng chỉ thu về 190 triệu đồng doanh thu nhưng chi phí ghi nhận đến gần 27 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Công ty cũng tăng, chiếm gần 6 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Do vậy, Sheraton Đà Nẵng báo lỗ thuần trong hoạt động kinh doanh gần 33 tỷ đồng.
Khấu từ thêm thuế, Công ty có khoản lỗ 31 tỷ đồng trong quý 4/2019, đây là quý thứ 8 liên tiếp Sheraton Đà Nẵng ngập trong thua lỗ.
Còn trong cả năm 2019, doanh thu của Sheraton Đà Nẵng tăng 48% khi đạt trên 382 tỷ đồng, lãi gộp gấp 7 lần năm 2018. Công ty vẫn phải báo lỗ 144 tỷ đồng do gánh nặng chi phí lãi vay, trong khi năm trước cũng lỗ đến 178 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 ghi nhận đến 334 tỷ đồng khiến cho vốn chủ sở hữu ghi âm 80 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Công ty tại ngày cuối năm 2091 đạt hơn 3.158 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Phần lớn là tài sản cố định hữu hình tại Dự án Sheraton Grand Danang Resort với hơn 1.994 tỷ đồng, tương đương 63% tổng tài sản.
Chi phí xây dựng, tiền thuê đất cho phần diện tích sử dụng để xây khu biệt thự 3,13 ha trong tổng thể dự án Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort chiếm 640 tỷ trong gần 700 tỷ đồng hàng tồn kho.
Tổng nợ phải trả chiếm gần 3.239 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 34%, tương đương 1.114 tỷ đồng. Các khoản phải trả dài hạn khác của công ty đã tăng từ 926 tỷ đồng lên 1.311 tỷ đồng.
Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương đặt ra chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận ròng và lợi nhuận trước thuế khách sạn tăng trưởng ổn định, ở mức tăng trưởng hàng năm là từ 10% trở lên.
Tuy nhiên, dịch Covid 19 đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và có tác động lớn tới Việt Nam tác động rất lớn ngành du lịch, nhiều khách sạn lâm vào trình trạng khó khăn.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu của Việt Nam cũng là 3 nơi có dịch Covid - 19 với diễn biến phức tạp. Ba thị trường này chiếm 80% lượng khách quốc tế năm 2019.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, dịch Covid-19 khiến tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy thuộc vào vị trí ở các thành phố lớn hay các địa danh nghỉ dưỡng.
Với bối cảnh này, những doanh nghiệp như BDP cũng chịu tác động không nhỏ, đe doạ tới kỳ vọng tăng trưởng.
Mộc Diệp (TH)/ Sở hữu trí tuệ