FPT vay nợ tăng đột biến
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) công bố, quý vừa qua, doanh nghiệp này đạt trên 6.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn lại trên 2.600 tỷ đồng, tăng 15,1%. Mức tăng này thấp hơn mức tăng doanh thu thuần, cho thấy biên lợi nhuận gộp của FPT suy giảm trong kỳ. Dù vậy, tính toán cho thấy mức suy giảm rất nhẹ, chỉ 0,6 điểm%.
Cũng trong quý I/2020, FPT ghi nhận 178 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 16,1%. Phần lớn đến từ lãi tiền gửi (138 tỷ đồng) và lãi chênh lệch tỷ giá (40 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn có 80 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết, giảm 15,5%.
Về chi phí, đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ của doanh nghiệp này tăng rất mạnh, gấp rưỡi cùng kỳ, lên 181 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 37% lên 99,6 tỷ đồng; trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá tăng tới 67% lên 81 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 27% lên 620 tỷ đồng. Trái lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 2,7% xuống còn hơn 950 tỷ đồng.
Ngoài ra, FPT cũng ghi nhận 14,7 tỷ đồng lợi nhuận khác trong kỳ, giảm 36%.
Chốt quý, tổng lợi nhuận trước thuế của FPT là trên 1.100 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính kỳ này của FPT là việc tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) tăng vọt hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương 26%, lên mức 9.889 tỷ đồng.
Nhìn lại, trong vòng 2 năm từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019 - tương đương 24 tháng, tổng nợ vay của FPT tăng khoảng hơn 3.100 tỷ đồng, cho thấy mức tăng hơn 2.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 là đột biến.
Lợi nhuận FPT Retail giảm mạnh
Còn theo báo cáo tài chính quý 1/2020 của Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) – công ty con của FPT ghi nhận doanh thu bán hàng tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 4.140 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện gần hai điểm phần trăm, lên 13,7%.
Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng là nguyên nhân khiến lãi sau thuế giảm 44%, chỉ đạt 35 tỷ đồng. Lý giải điều này, ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, quý đầu năm là thời điểm đến hạn tăng tiền thuê mặt bằng định kỳ và công ty cũng phải điều chỉnh phân bổ lương hiệu quả kinh doanh khiến chi phí bị đội lên. Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn đến từ việc đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 83 cửa hàng. Chuỗi nhà thuốc này đóng góp gần 240 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả chiếm hơn 78% trong cơ cấu nguồn vốn, chủ yếu hình thành từ các khoản vay tài chính ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện đạt 520 tỷ đồng.
Thời điểm kết thúc quý I, tổng tài sản của FPT Retail đã giảm 8,3% xuống mức 6.046 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho chiếm gần một nửa với hơn 3.011 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn chiếm gần 23% đạt 1.378 tỷ đồng tuy nhiên nợ vay tài chính (toàn bộ là nợ ngắn hạn) cũng ở mức cao với 3.814 tỷ đồng, tương đương 63% tổng tài sản.
Trên thị trường, sau thời gian dài liên tục “đổ đèo” kể từ khi lên sàn, cổ phiếu FRT có thời điểm đã rơi xuống sát mệnh giá hồi cuối tháng 3/2020. Từ vùng đáy, cổ phiếu này bất ngờ đảo chiều tăng sốc với nhiều phiên tăng trần liên tiếp lên hơn 23.000 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh về quanh mức 21.150 đồng/cổ phiếu (thời điểm kết thúc ngày 28/4). Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa FPT Retail vào khoảng 1.670 tỷ đồng, tăng gấp đôi trong chưa đến 1 tháng.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ