Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tiếp tục chìm sâu trong thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm: Lối đi nào cho Đạm Hà Bắc?

Lâm Anh (T.H) 10:58 28/04/2020

Đạm Hà Bắc (DHB) báo lỗ thêm 360 tỷ đồng quý 1/2020 nâng lỗ lũy kế lên 3.649 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế vượt 34% vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu âm hơn 880 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với khoản lỗ 360 tỷ đồng cao gấp 6 lần cùng kỳ.

Theo đó doanh thu thuần đạt 818,6 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán lên tới 904 tỷ đồng khiến DHB lỗ gộp hơn 85 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp đạt gần 138 tỷ đồng.

Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh từ 35,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 758 triệu đồng trong khi đó chi phí lãi vay tăng cao khiến chi phí của hoạt động tài chính tăng thêm 20% lên 223 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí QLDN cũng lần lượt tăng thêm 55,6% và 36% so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong quý 1 của DHB đến từ 2 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh liên kết và 2,5 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác. Kết quả Đạm Hà Bắc báo lỗ quý 1 lên tới hơn 360 tỷ đồng cao gấp 6,7 lần so với khoản lỗ của quý 1/2019.

Với mức vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc là một trong doanh nghiệp sản xuất phân bón có quy mô vốn điều lệ lớn. Tuy nhiên, kinh doanh thua lỗ liên tục trong 5 năm qua khiến lỗ lũy kế đến cuối quý 1/2020 tiếp tục tăng lên 3.649 tỷ đồng, vượt 34% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện đã âm hơn 880 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương thời gian qua và đã nhiều lần lên tiếng cầu cứu Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cổ phiếu DHB của công ty đang giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá hiện chỉ còn 7.200 đồng và gần như không có giao dịch trong nhiều tháng qua.

Gánh nặng chi phí tài chính

Lãnh đạo Đạm Hà Bắc thừa nhận, công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tài chính rất lớn, đặc biệt từ tháng 1/2019 do không được kéo dài thời gian trả nợ, công ty không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nên đang phải chịu lãi phạt trên nợ gốc quá hạn với lãi suất 18%/năm.

Giải trình thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ gia tăng, Đạm Hà Bắc cho biết, xuất phát từ việc giá bán các sản phẩm giảm so với năm 2018 và theo đó lợi nhuận gộp giảm. Chi phí đầu vào của công ty cũng tăng cao do giá than cám tăng, giá điện tăng.

Ngoài ra, năm 2019, Đạm Hà Bắc vẫn phải thực hiện trích khấu hao ở mức 50% mức phải trích hàng năm theo thông báo ngày 24/5/2017 của Tập đoàn Hoá chất (Vinachem). Đây cũng là vấn đề mà kiểm toán viên nhấn mạnh khi nêu ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Đạm Hà Bắc.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHB đang “giẫm chân” tại mức giá 7.200 đồng đồng. Do bị âm vốn chủ sở hữu nên DHB đang “dính án” bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần (ngày bị hạn chế giao dịch kể từ 14/8/2019).

Mã cổ phiếu này sẽ được giao dịch trở lại bình thường chỉ khi nào Đạm Hà Bắc khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch (tức khi khắc phục được tình trạng âm vốn).

Vực dậy “đứa con đầu lòng của ngành đạm” trong bối cảnh rối ren hiện tại, đây quả thực là thách thức rất lớn đối với tân CEO Nguyễn Đức Ninh của Đạm Hà Bắc.

Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/tiep-tuc-chim-sau-trong-thua-lo-von-chu-so-huu-am-loi-di-nao-cho-dam-ha-bac-d74488.html

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục chìm sâu trong thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm: Lối đi nào cho Đạm Hà Bắc? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp