Nguyên nhân thua lỗ trong năm 2019
Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) có văn bản giải trình về nguyên nhân thua lỗ trong năm 2019
Theo BCTC kiểm toán năm 2019, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.426 tỷ đồng: Đây là năm thứ 2 liên tiếp Công ty (năm 2018 lỗ ròng 659 tỷ đồng), mặc dù năm 2019 HAGL Agrico đặt mục tiêu có lãi trở lại hơn 100 tỷ đồng.
Doanh thu thuần trong năm 2019 chỉ đạt 1.810 tỷ đồng, giảm tới 51% so với năm 2018. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 2.325 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 656 tỷ năm 2018.
Báo cáo ghi nhận doanh thu gộp 541 tỷ đồng, giảm 396 tỷ so với cùng kỳ năm 2018 do không còn hợp nhất doanh thu từ khi thanh lý Công ty Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên. Đồng thời không còn doanh thu từ ớt, bò thịt và bất động sản.
Xét chung doanh thu bán trái cây chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng vẫn giảm chỉ đạt 323 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, doanh thu bán mủ cao su cũng ghi nhận đạt 154 tỷ đồng, giảm 30%. Phần còn lại của doanh thu đến từ bán vật tư nông nghiệp gần 61 tỷ đồng và từ sản phẩm dịch vụ khác hơn 3 tỷ đồng.
Hai doanh thu kinh doanh chủ yếu là bán trái cây và mủ cao su đều sụt giảm là do tình trạng mưa lớn tại Lào vào tháng 9/2019 khiến 1.500 ha vườn cây bị ngập lụt. Trong đó, 1.200 ha diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và 300 ha diện tích cây ăn trái khác, chủ yếu là cây mít đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái
Giải trình thua lỗ, HAGL Agrico cho biết nguyên nhân do:
Lỗ từ hoạt động kinh doanh 967 tỷ do chi phí lãi vay lớn;
Lỗ khác 1.408 tỷ do đánh giá lại các tài sản và chuyển đổi chi phí đầu tư vườn cây
Thuế TNDN hoãn lại 69 tỷ đồng, ảnh hưởng từ dự phòng đầu tư do các khoản lỗ từ công ty con;
Chia lỗ cho cổ đông không kiểm soát: 18 tỷ đồng.
Lên phương án khắc phục, HAGL Agrico cho biết năm 2019 đã chuyển nhượng một số công ty con và dùng nguồn tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng. Như vậy, sang năm 2020, Công ty có số dư nợ giảm đáng kể sẽ giảm áp lực về chi phí lãi vay.
Không chỉ nợ vay, công tác đánh giá lại tài sản và chuyển đổi chi phí đầu tư vườn cây là một áp lực lớn lên con số kinh doanh HAGL Agrico. Hiện, khoản mục "Cây trồng lâu năm và vật nuôi" tính đến cuối năm 2019 của Công ty ghi nhận giá trị 7.592 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng tài sản cố định.
Đáng chú ý, năm 2019 HAGL Agrico liên tục mua lại trái phiếu trước hạn, giảm đáng kể nợ vay. Tính đến cuối năm, nợ phải trả Công ty giảm đáng kể từ 19.856 tỷ về 13.542,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay giảm mạnh hơn 6.200 tỷ đồng, hiện HAGL Agrico còn nợ vay ngắn hạn 4.655 tỷ (đầu kỳ khoảng 5.879 tỷ) và nợ vay dài hạn 4.550 tỷ (đầu kỳ hơn 9.551 tỷ đồng).
Một vấn đề đáng quan tâm liên quan đến thanh lý các vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái; năm 2020, HAGL Agrico khẳng định hoạt động sản xuất kinh doanh được tinh gọn, tập trung vào mảng cốt lõi là cây ăn trái hiện đang tạo nguồn thu hiệu quả thời gian qua. Công ty cũng thay đổi cơ cấu bộ máy tài chính để nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Với các phương án đó, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu 4.307 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019 và có lợi nhuận trước thuế 566 tỷ đồng. Trong liên kết với THACO, THADI chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HAGL Agrico với diện tích cây ăn trái 26.500ha (với chuối là 11.000ha). Dự kiến, tổng doanh thu năm 2020 khoảng 1 tỷ USD (của THADI là 600 triệu USD và HAGL Agrico ước đạt 400 triệu USD), phát biểu mới đây của Chủ tịch Trần Bá Dương.
HAGL Agrico có lãi 2 tỷ sau 6 quý liên tiếp lỗ lớn
Tại thời điểm 31/3, HAGL Agrico đang vay gần 5.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn.
CTCP Nông nghiệp quốc tế HAGL – HAGL Agrico (HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với doanh thu tăng gần gấp đôi cùng kỳ, từ 340 tỷ lên 666 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu vẫn đến trừ trái cây, tăng từ 218 tỷ lên 570 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ mủ cao su giảm từ 101 tỷ xuống 68 tỷ đồng.
Phần lớn doanh thu của HAGL Agrico trong kỳ là bán hàng cho 2 công ty con của THACO là THADI (332 tỷ) và Công ty Vận tải Đường bộ Chu Lai - Trường Hải (136 tỷ đồng).
LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1,8 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 98 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý đầu tiên HAGL Agrico có lãi sau 6 quý liên tục lỗ lớn. Năm 2019, công ty lỗ tổng cộng hơn 2.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó HAGL Agrico cũng vay hơn 4.300 tỷ đồng từ HAGL và THACO – 2 cổ đông chính của công ty. Các khoản vay này đã được phân loại sang vay dài hạn thay vì chủ yếu là vay ngắn hạn tại thời điểm đầu năm.
Cổ phiếu HAGL được giao dịch toàn phiên trở lại
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát, bắt đầu từ ngày 27/4/2020.
Trước đó, Sở ra Quyết định đưa cổ phiếu HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vào diện kiểm soát kể từ ngày 23/4/2020.
Nguyên nhân, lãi sau thuế của cổ đông Công ty mẹ HAGL Agrico năm 2018 âm hơn 659 tỷ đồng và năm 2019 âm gần 2.426 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 ghi nhận âm 2.324 tỷ đồng. Kể từ ngày 23/4/2020, cổ phiếu HNG sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận).
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ