Bột giặt NET được thành lập từ năm 1968 và là một trong các doanh nghiệp nội địa hàng đầu về sản phẩm chăm sóc gia đình tại Việt Nam với hai thương hiệu được ưa chuộng là NET và NETSOFT.
Netco có hoạt động kinh doanh khá giống với Lixco chuyên về sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa. Công ty có đưa sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Net Care+ ra thị trường trong thời gian dịch Covid-19. Ngoài ra, Netco còn gia công sản phẩm cho đối tác Unilever với các nhãn hiệu như Omo, Surf, Sunlight…
NET công bố lãi khủng quý I/2020
CTCP Bột giặt NET (NETCO – HNX: NET) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Theo đó, doanh thu thuần đạt 356,8 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 108%, lên 32,16 tỷ đồng.
Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử mà NET ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động. Có được kết quả tích như trên là đến từ việc tăng trưởng mạnh doanh số bán hàng.
Trong quý I vừa qua, Masan HPC, một công ty thành viên do Tập đoàn Masan sở hữu 100% vốn đã mua thành công hơn 52% cổ phần với mức giá trung bình 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá xấp xỉ 46 triệu USD qua đó trở thành cổ đông chi phối tại Bột giặt NET.
Bên cạnh đó, lãi gộp quý I của NET cũng ở mức cao với 83,86 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 23,5%, cải thiện đáng kể so với biên lãi gộp 18% cùng kỳ 2019.
Ngoài ra, các chi phí phát sinh trong kỳ không thay đổi nhiều so với năm trước, ngoại trừ chi phí bán hàng tăng 16,5 tỷ đồng (71,12%).
Tính đến hết 31/3/2020, tổng tài sản Bột giặt NET đạt gần 642 tỷ đồng, tăng 11,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó số dư tiền và tương đương chiếm 22% với 140 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy được gần 102 tỷ đồng.
Theo báo cáo thường niên, năm 2020, Bột giặt Net đặt mục tiêu doanh thu không thấp hơn 10% so với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế cũng không thấp hơn năm 2019. Tuy nhiên chỉ tiêu cụ thể sẽ do Đại hội đồng cổ đông năm 2020 quyết định.
Vào năm 2019, Bột giặt Net đạt lãi ròng tới 81 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với năm 2018. Năm 2019, thị trường trong nước vẫn tiếp tục là thị trường trọng yếu của Công ty, với tỷ trọng chiếm 68,96% tổng doanh thu.
Doanh thu từ xuất khẩu của Công ty năm 2019 giảm 39 tỷ, chiếm 27,52% trong cơ cấu doanh thu, thấp hơn mức 31,97% của năm 2018. Sự sụt giảm trong doanh thu xuất khẩu đến từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất, do Công ty đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắt tại một số thị trường Đông Nam Á. Đây là một khó khăn đối với NET nói riêng cũng như ngành sản xuất chất tẩy rửa tại Việt Nam nói chung trong việc giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, đến từ việc điều chỉnh kết cấu giá thành sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng xuất khẩu ảnh hưởng khá lớn đến giá vốn và giá bán, ảnh hưởng đến doanh thu.
Ngoài ra, theo thông tư số 54 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại các cảng biển của Việt Nam được điều chỉnh tăng thêm 10%.
Việc này đã đẩy giá thành của các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam lên cao, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác.
Lý giải miễn nhiễm trong khủng hoảng
Theo Bột giặt Net, sở dĩ kỳ này hoạt động kinh doanh khả quan do sản lượng tiêu thụ tăng.
Được biết, Netco có hoạt động kinh doanh khá giống với Lixco chuyên về sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa. Công ty có đưa sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Net Care+ ra thị trường trong thời gian dịch Covid-19. Ngoài ra, Netco còn gia công sản phẩm cho đối tác Unilever với các nhãn hiệu như Omo, Surf, Sunlight…
Bột giặt Net vẫn đang phân phối chủ yếu ở thị trường truyền thống, kênh hiện đại chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu nhưng đang tăng trưởng nhanh. Công ty còn xuất khẩu sang một số nước và bán hàng online, cũng như nhận gia công cho đối tác Unilever.
Một điểm thuận lợi của Netco là có thể tận dụng hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị trên cả nước của Masan Group, hiện là công ty mẹ của Netco.
Tháng 2 vừa qua, công ty Masan HPC đã mua thành công hơn 52% vốn Bột giặt Net với mức giá trung bình 48.000 đồng/cp, định giá doanh nghiệp xấp xỉ 46 triệu USD. Hiện Vinachem vẫn còn nắm giữ 36% vốn.
Có thể thấy, NET là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. So với thời điểm Masan mua thương hiệu Vinacafe hơn 10 năm trước, thì dường như lúc này, khi Masan nắm chuỗi phân phối Vinmart, việc Masan mua một thương hiệu sản phẩm nào cũng thấy hợp lý. Và việc chào mua Bột giặt Net được cho là một lựa chọn đúng.
Theo Masan, chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn và hấp dẫn tại Việt Nam, với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và có nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng dịch bệnh Covid-19 gần đây gây nhiều khó khăn trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu với các quốc gia khác, đặc biệt tại điểm đầu nguồn dịch Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Netco có một phần từ Trung Quốc sẽ gây khó khăn nhất định đến nguồn nguyên liệu đầu vào.
Giá cổ phiếu NET đang tiệm cận đỉnh lịch sử. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NET hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 45.000 đồng/cp.
Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ