Cuộc đua "đốt tiền" khốc liệt
Khởi sự từ bán sách tiếng Anh năm 2010 và đạt được một số thành tựu nhất định, ông Trần Ngọc Thái Sơn ngay lập tức mở rộng ngành hàng cho Tiki trong giai đoạn 2011-2012.
Khi nguồn vốn từ cá nhân không đủ cho nhu cầu mở rộng, năm 2012 Tiki huy động được nguồn tiền đầu tiên từ CyberAgent, sau đó là khoản vốn từ tập đoàn Sumimoto. Những lần bơm vốn này giúp Tiki phát triển nhanh hơn và lọt vào top 5 trang thương mại điện tử lớn vào năm 2015.
Những thành tựu của Tiki gắn liền với các lần gọi vốn thành công và… các khoản lỗ liên tục. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG, khoản tiền rất lớn của một doanh nghiệp trong nước rót vào thương mại điện tử. Khi đó, giá trị của Tiki đạt 45 triệu USD, VNG có được 38% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của Tiki.
Tuy nhiên, Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 của VNG cho thấy, khoản đầu tư của VNG vào sàn thương mại điện tử Tiki hơn 506,2 tỷ đồng được ghi nhận đã lỗ toàn bộ đến hết tháng 6/2019. K
Cuối năm 2017, Tiki có sự tham gia góp vốn của JD.com, tập đoàn thương mại điện tử số 2 tại Trung Quốc. Đầu năm 2018, JD.com tiếp tục rót tiền vào Tiki để trở thành một trong hai cổ đông lớn nhất tại đây, ngang với VNG - đã rót tổng cộng hơn 500 tỉ đồng vào trang này.
Cho đến thời điểm hiện tại, Tiki là doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước sáng giá và có thể đối đầu với các đối thủ mạnh trong khu vực như Lazada, Shopee. Tất nhiên, để đạt được kết quả này, Tiki đã thực hiện chiến lược phát triển thần tốc dựa vào các lần gọi vốn giá trị lớn, hy sinh lợi nhuận để mở rộng thị trường.
Ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Tiki ghi dấu ấn khi khơi màn cuộc chiến tốc độ giao hàng, với 'Tiki Now'. Với việc mở rộng nền tảng năng lực kho bãi, tốc độ dường như vẫn là "át chủ bài" để lôi kéo người mua hàng.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki xác nhận, hiện Tiki có hơn 100.000 sản phẩm được giao trong 2 giờ và đang mở rộng dịch vụ sang giao 3 giờ, giao trong ngày đến qua ngày để lượng sản phẩm tăng lên vài trăm nghìn đến triệu sản phẩm có thể cung cấp.
Không chỉ "khơi mào" cuộc đua giao nhanh, Tiki còn "chơi lớn" với sự đầu tư lớn vào các sản phẩm âm nhạc của những ngôi sao hàng đầu Vpop.
Có thể kể đến như “Lửng lơ” (B-Ray và Masew), “Bạc phận” (K-ICM ft. Jack), “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (Min), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu) và “Yêu được không?” (Đức Phúc)… Điểm chung của các MV này là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.
Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, qua đó VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 tỷ và 126 tỷ vào kết quả kinh doanh của mình. Năm 2018, khoản lỗ từ Tiki mà VNG phải "gánh" tăng hơn gấp đôi lên 254 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào Tiki trên sổ sách của VNG chỉ là 33 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 2019 là năm đánh dấu tên tuổi của đơn vị TMĐT này khi đi cùng với một loạt sản phẩm âm nhạc, Tổng Giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng phải ngậm ngùi chia sẻ trong một sự kiện về startup hồi cuối năm 2019 rằng "Trong 9 năm, Tiki suýt chết hay "vô hòm" 5 lần, nguyên do rất nhiều: hết tiền, nhà đầu tư nghi ngờ, anh em nghi ngờ..."
Ông Trương Gia Bình - Nhà sáng lập/Chủ tịch FPT đối thoại cùng Chủ tịch Tiki trong một cuộc thi khởi nghiệp vừa được tổ chức tại TP.HCM nhận định: Thương mại điện tử là lĩnh vực rất cạnh tranh, khi gần trở thành kỳ lân như Tiki thì việc đốt tiền là việc không thể thiếu.
Ông Trương Gia Bình đối thoại cùng nhà sáng lập/Chủ tịch Tiki trong một cuộc thi khởi nghiệp vừa được tổ chức tại TP.HCM (Ảnh: Hồng Phúc). |
“Nên tham gia kinh doanh vào thị trường nào ít cạnh tranh nhất. Nếu vào lĩnh vực thương mại điện tử từ 15 năm trước, tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ, còn hiện nay thì tôi khuyên nên thôi, vì muộn quá sẽ phải "đốt tiền" vô tội vạ. Hoặc trước hết, trở thành số 1 thị trường như Tiki, là gần tiến đến trở thành Unicorn (kỳ lân, doanh nghiệp có định giá từ 1 tỷ USD trở lên) thì "đốt tiền" là việc không thể thiếu”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Đốt tiền cũng chưa "chắc thắng"?
Tuy không tiết lộ số tiền sẽ đổ vào cho các sản phẩm âm nhạc vì nói rằng nó sẽ linh động, tùy vào lượng vốn mà các nghệ sỹ cần.
Tuy nhiên, theo Giám đốc một công ty sản xuất trong ngành giải trí cho biết, một MV đầu tư cỡ “Anh ơi ở lại” của Chi Pu tiết kiệm nhất cũng tiêu tốn 400-500 triệu đồng. Một nhà sản xuất độc lập khác, thì cho rằng có thể tốn đến một tỷ đồng cho sản phẩm này.
Tiki xuất hiện trang MV ca nhạc đình đám “Anh ơi ở lại” của Chi Pu |
Thông thường, nhãn hàng có nhiều cách đồng hành với những MV ca nhạc của nghệ sỹ, hoặc tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, hoặc đóng góp 100-200 triệu đồng là có thể xuất hiện logo.
Với quyết định đầu tư cho hàng trăm dự án giải trí thì con số bỏ ra của Tiki không phải nhỏ.
Tuy nhiên, năm 2019 cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn của ngành TMĐT trước sự rút lui của một số "tay chơi". Điển hình có thể kể đến việc Thế giới Di động (MWG) đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó là Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019, và đến cuối năm 2019 lại là một loạt những thay đổi về chiến lược bán lẻ của Vingroup bao gồm cả việc tái cấu trúc trang thương mại điện tử của họ là Adayroi.
Sau khi Adayroi đóng cửa, Tiki nằm trong nhóm 4 trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đến thời điểm này, cùng với Lazada, Shopee và Sendo. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm 4 trang này vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền” để mở rộng thị trường, chưa ai có lợi nhuận.
Cả Tiki và Sendo đang được kì vọng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, sau VNG - công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam được định giá 1 tỉ USD. Dù vậy, việc có trở thành kì lân hay không của hai trang thương mại điện tử Việt Nam có lẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tiền họ gọi được trong cuộc đua giành thị phần, để không bị đối thủ vượt mặt như các trang thương mại điện tử khác từng “ra đi” vì không chịu nổi nhiệt.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ