Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Quảng cáo bằng cách chi mạnh hàng trăm tỉ cho sản phẩm giải trí có giúp Tiki thoát lỗ?

Mai Hương 16:46 11/12/2019

Dù đang chịu lỗ như nhiều tên tuổi thương mại điện tử lớn khác, Tiki vẫn tài trợ cho hàng trăm sản phẩm giải trí trên Youtube trong cuộc đua giành thị phần.

Tiki đốt hàng trăm tỉ cho hàng loạt sản phẩm giải trí

Gần đây, từ đầu tháng 4/2019, hàng loạt MV ca nhạc của các nghệ sỹ trẻ được tung lên Youtube và chiếm các vị trí hàng đầu trên Youtube Trending. Các MV ca nhạc này đều có chung đặc điểm là là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.

Có thể kể đến các ca khúc như "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" (Min), "Anh ơi ở lại" (Chi Pu), "Lửng lơ" (B-Ray và Masew), "Bạc phận" (K-ICM ft. Jack), "Yêu được không?" (Đức Phúc)...

"Tiki đi cùng sao Việt" là dự án đồng hành cùng những sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là âm nhạc.

Có thể thấy, những MV xuất hiện logo Tiki đều là những MV của ca sĩ trẻ, sở hữu lượng người nghe "khủng" và trẻ, phần nhiều dao động từ cấp ba đến đại học, vốn là độ tuổi bắt đầu làm chủ tài chính và quan tâm đến việc chi tiêu, mua sắm. Đây chính là tập khách hàng mới tiềm năng để phát triển trong bối cảnh các hãng thương mại điện tử những năm qua chấp nhận lỗ liên tục để kéo khách.

Tuy không tiết lộ số tiền sẽ đổ vào cho các sản phẩm âm nhạc là bao nhiêu, nhưng theo Giám đốc một công ty sản xuất trong ngành giải trí cho biết, một MV đầu tư cỡ “Anh ơi ở lại” của Chi Pu tiết kiệm nhất cũng tiêu tốn 400 - 500 triệu đồng. Một nhà sản xuất độc lập khác, thì cho rằng có thể tốn đến một tỷ đồng cho sản phẩm này.

Thông thường, nhãn hàng có nhiều cách đồng hành với những MV ca nhạc của nghệ sỹ, hoặc tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, hoặc đóng góp 100 - 200 triệu đồng là có thể xuất hiện logo. Nhưng dù là đồng hành bằng phương thức nào thì quyết định đầu tư cho hàng trăm dự án giải trí thì con số bỏ ra của Tiki không phải nhỏ.

Thực tế, bộ ba dẫn đầu thị trường thương mại điện tử là Shopee, Tiki và Lazada, đều tận dụng người nổi tiếng để thu hút khách hàng theo những cách khác nhau. Nếu như Shopee nhờ các gương mặt ăn khách trong nghệ thuật, thể thao để làm đại diện quảng cáo, viết lời lại ca khúc "Baby Shark" thì Lazada thuê người có ảnh hưởng để tổ chức các buổi livestream bán hàng.

Còn Tiki, việc đầu tư "mát tay" vào hàng trăm sản phẩm âm nhạc hẳn không chỉ là món quà mà còn là chiến lược quảng cáo, phát triển khách hàng mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của bán hàng trực tuyến.

Đốt nhiều tiền cho quảng cáo có giúp Tiki thoát lỗ?

Từ giữa năm ngoái đến nay, cuộc chạy đua người dùng có khá nhiều biến động. Lazada từ ngôi vị dẫn đầu về lượng người truy cập ở quý II/2018 nay nhường ngôi cho Shopee. Trong khi đó, Tiki liên tục giữ vị trí thứ 4 trong quý I, II, III năm ngoái thì vọt lên vị trí thứ 2 vào quý IV/2018 và quý I/2019, theo iPrice.

Được thành lập năm 2010, Tiki khởi nghiệp bằng bán sách trực tuyến. Sau đó, trang thương mại điện tử này mở rộng ra hoạt động kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm khác như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thời trang, dân dụng, đồ công nghệ,...

Tiki bắt đầu vòng gọi vốn đầu tiên năm 2012 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Cyberagent, trước khi chốt khoản đầu tư vòng Series B với tập đoàn Sumimoto. Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần.

Tiki tiếp tục nhận hơn 384 tỷ đồng từ VNG, nhưng chỉ trong hai năm sau đó, startup này đã "đốt" gần hết số tiền được đầu tư. Theo số liệu từ báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ tổng cộng 380 tỷ trong hai năm 2016 và 2017.

Từ báo cáo thường niên của VNG về các khoản lỗ ở các công ty liên kết cho thấy năm 2017, Tiki lỗ khoảng 282 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền Tiki báo lỗ 40 tỷ đồng năm 2016, sau 2 năm trang thương mại điện tử này đã "đốt" 322 tỷ đồng.

Năm 2018, theo báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ 757 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên khoảng 1.300 tỷ đồng.

VNG đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Tiki, tuy nhiên đến cuối tháng 6, giá trị còn lại đã về 0. Công ty cổ phần VNG vừa ra báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2019, trong đó hé lộ về kết quả khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Tiki.

Theo báo cáo này, giá trị khoản đầu tư vào Tiki đến thời điểm 30/6/2019 là hơn 506 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị còn lại của khoản đầu tư đã về 0, do VNG chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong Tiki. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki là 24,6%.

Cho đến thời điểm hiện tại, rất khó để biết khi nào các trang như Lazada, Tiki, Shopee hết báo lỗ tại Việt Nam. Vì tuỳ vào chiến lược ưu tiên của từng doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường này mà họ sẽ có cách làm khác nhau. Có điều chắc chắn rằng, nếu đặt nặng mục tiêu giành khách hàng và thị phần, rất khó để các trang này có lợi nhuận trong một vài năm tới.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/quang-cao-bang-cach-chi-manh-hang-tram-ti-cho-san-pham-giai-tri-co-giup-tiki-thoat-lo-d66883.html

Bạn đang đọc bài viết Quảng cáo bằng cách chi mạnh hàng trăm tỉ cho sản phẩm giải trí có giúp Tiki thoát lỗ? tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu