Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Xây dựng thương hiệu dưới góc nhìn của chuyên gia

DTVN 08:24 30/11/2019

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong thị trường ngày nay là việc làm không dễ dàng. Và câu chuyện xây dựng thương hiệu luôn giữ vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

Mới đây, tại trường Đại học Ngoại thương đã diễn ra tọa đàm Thương hiệu khởi nghiệp. Đây được xem là cơ hội tốt để các bạn sinh viên có thể trau dồi thêm những kiến thức cơ bản về Thương hiệu, đánh giá khả năng của bản thân.

Góp mặt trong buổi tọa đàm là các diễn giả có chuyên môn, kinh nghiệm về thương hiệu và khởi nghiệp. Đó là anh Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập, chủ tịch Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB. Nhà sáng lập, CEO của Flower Farm. Giảng viên Khoa Quốc tế - ĐH Quốc Gia Hà Nội; anh Trần Trung Hiếu - Founder Công ty TopCV và anh Phạm Thanh Hạt - Thạc sỹ quản trị kinh doanh trường East Anglia, Vương quốc Anh, CMO gạo việt Vinafood1.

Tọa đàm còn có sự góp mặt của các khách mời: PGS, TS. Lê Thị Thu Hà - Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - trường Đại học Ngoại thương - Giám đốc Trung tâm FIIS - Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo FTU; Thầy Hoàng Ngọc Thuận - Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - trường Đại học Ngoại thương và anh Lý Nguyên Ngọc - Đại diện Trung tâm FIIS - Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo FTU .

Có thể nói với xu hướng chung của thế giới cũng như định hướng phát triển của đất nước, ngày càng nhiều các doanh nghiệp startup (khởi nghiệp sáng tạo) ra đời và phát triển. Tuy nhiên, phần lớn startup Việt chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng thương hiệu, khó tạo dấu ấn khác biệt và nổi bật cho thương hiệu trong hành trình trải nghiệm khách hàng. Điều này khiến startup chìm nghỉm trong biển cạnh tranh, bị lấp đầy bởi các thương hiệu khác.

Đối với startup, vai trò của thương hiệu cũng không khác nhiều so với các doanh nghiệp nói chung. Đặc biệt, thương hiệu tốt là cơ sở để startup tuyển dụng nhân tài và thu hút thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho startup trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn lại là một bài toán khó.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, anh Phạm Anh Cường đã cho các bạn sinh viên hiểu hơn về khái niệm "thương hiệu". Anh cho biết: "Sản phẩm và dịch vụ là làm ra từ nhà máy nhưng thương hiệu được làm ra từ trong tâm trí khách hàng. Vì vậy để làm thương hiệu thành công, bạn hãy tạo ra sự khác biệt nổi trội ở những sản phẩm, dịch vụ của mình, ở những gì bạn cung cấp mang đến cho thị trường".

Anh cũng cho hay, thương hiệu được tạo ra từ nhiều yếu tố. Đầu tiên chính là nhân hiệu, tiêu chí con người. Với anh, mỗi nhân sự là một đại sứ thương hiệu giúp lan tỏa thương hiệu ấy. Yếu tố tiếp theo cấu thành thương hiệu chính là cấu trúc phát triển thương hiệu, tức là sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là yếu tố đòn bẩy giúp thương hiệu đi xa hơn. Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó chính là bộ nhận diện thương hiệu.

"Tiếp theo đó là quản trị thương hiệu. Hiện tại ở Việt Nam, công việc quản trị thương hiệu thường được giải quyết bằng vấn đề công nghệ để tinh gọn và nhanh nhất. Và yếu tố cuối cùng tạo ra giá trị thương hiệu chính là chiến lược. Nếu không có chiến lược tốt thì thương hiệu rất dễ bị sụp đổ", anh Cường cho biết thêm.

Trong khi đó, anh Trần Trung Hiếu chia sẻ về thương hiệu với góc độ đơn giản hơn, thực tế hơn. Theo anh, khi xây dựng một doanh nghiệp ban đầu thì còn thiếu nhiều nguồn lực nên câu chuyện thương hiệu chỉ là 1 phần. Mỗi thời gian khác nhau thì có cách làm thương hiệu cũng khác nhau. Với các bạn khởi nghiệp thì giai đoạn đầu, chính những người sử dụng dịch vụ quyết định thương hiệu là gì. Mình xác định càng đúng mục tiêu thì người sử dụng sẽ quyết định thương hiệu tốt hay không và sau đó điều chỉnh. Khi có nhiều người biết đến rồi thì câu chuyện thương hiệu sang một con đường khác.

Về việc định giá thương hiệu, anh Phạm Anh Cường chia sẻ thêm: "Amazon là thương hiệu giá trị cao nhất hiện nay dựa trên định giá thương hiệu. Định giá doanh nghiệp dựa trên 3 phương pháp: chiết khấu dòng tiền tức là định giá doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính; định giá thương hiệu dưới góc độ của dân marketing xem thương hiệu đó đáng giá bao nhiêu tiền và cuối cùng là nghiên cứu thị trường để xác định công ty ấy chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần trên thị trường. Và 3 phương pháp này đều khớp cho ra một kết quả, đó chính là giá trị thương hiệu".

"Như vậy tài sản thương hiệu chính là định giá thương hiệu. Công thức của định giá thương hiệu chuẩn theo quốc tế là dựa trên vòng quay của khách hàng thân quen và tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng mới, từ người biết thành người mua sản phẩm", anh Cường cho biết thêm.

Theo Hương Mi/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/xay-dung-thuong-hieu-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-d66053.html

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng thương hiệu dưới góc nhìn của chuyên gia tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu