Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 11/10/2024

Khối tài sản hơn 6.000 tỷ của FLCHomes có gì đáng giá?

DTVN 18:52 31/01/2020

Theo tính toán của Nhadautu.vn, gần 1.645 tỷ đồng tài sản của FLCHomes được đầu tư ngược lại vào nhóm doanh nghiệp liên quan tới FLC Group, chiếm gần 39,54% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Có gì đặc biệt trong BCTC quý IV/2019 của FLCHomes? (Ảnh minh họa).

Tối 18/11/2019, tỷ phú Trịnh Văn Quyết gây xôn xao với giới đầu tư khi tuyên bố cổ phiếu FHH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FLCHomes) sẽ đạt mức 3 con số. Thậm chí, ông Quyết khẳng định FLC sẽ phá sản nếu FHH không đạt được mức giá trên.

Cũng vì lẽ đó, giới đầu tư khá tò mò về các dữ liệu tài chính của FLCHomes, nhất là khi tỷ phú Trịnh Văn Quyết sau đó vào ngày 26/12/2019 đã tuyên bố công ty sẽ niêm yết lên sàn HOSE, thay vì giao dịch trên thị trường UpCom.

BCTC quý IV/2019 công bố mới đây đã phần nào đã hé lộ sức khỏe doanh nghiệp.

Lợi nhuận FLCHomes đến từ đâu?

FLCHomes tiền thân là CTCP Dịch vụ Du lịch và Giải trí Biscom, thành lập tháng 2/2016, lĩnh vực chủ yếu ban đầu là vận hành hệ thống sân golf mang thương hiệu FLC trên cả nước.

Sau hơn 3 năm phát triển, công ty đã mở rộng mạnh mẽ quy mô và hoạt động kinh doanh. Trang chủ Tập đoàn FLC cho biết,” FLCHomes được xây dựng với 4 sản phẩm đầu tư, phát triển cốt lõi là FLC Beach & Golf Resort (Bất động sản nghỉ dưỡng & sân golf); FLC Residences (Khu đô thị phức hợp cao cấp); FLC Retail & Office (Bất động sản thương mại, văn phòng & mặt bằng bán lẻ) và FLC Green Eco (Bất động sản xanh)”. Trong đó, mảng bất động sản là lĩnh vực cốt lõi.

BCTC cho thấy doanh thu cả năm 2019 của FLCHomes đạt 1.512 tỷ đồng, tăng trưởng 70,31% so với năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa 1.130 tỷ chiếm 74,71% tổng doanh thu. Dù vậy, doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể là buôn bán gì.

Điều đáng nói, doanh thu dù đạt mức ngàn tỷ, nhưng với việc giá vốn quá cao đã đẩy lợi nhuận gộp công ty chỉ còn 93,9 tỷ đồng. Phải nhờ đến 403,5 tỷ từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và bán các khoản đầu tư, FLCHomes mới đạt lợi nhuận sau thuế 257,3 tỷ đồng, gấp khoảng 57 lần so với năm 2018 đạt 4,5 tỷ.

Các thông số kết quả kinh doanh nói trên phần nào khiến giới đầu tư bất ngờ bởi mức độ đóng góp lợi nhuận từ “core” doanh thu khá thấp, nhất là khi FLCHomes vốn được kế thừa toàn bộ đội ngũ các cán bộ cấp cao, các chuyên gia từ Tập đoàn mẹ FLC.

Đằng sau khối tài sản nghìn tỷ

Báo cáo tài chính không nêu cụ thể tỷ lệ cổ phần FHH nắm giữ bởi FLC hay tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, với vị thế là một phần của hệ sinh thái Tập đoàn FLC, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của ông Quyết và các doanh nghiệp, được thể hiện rõ trên các con số tài chính của FLCHomes.

Cụ thể, trong năm 2018 và 2019, FLCHomes có giao dịch bán hàng cho Tập đoàn FLC với các giá trị lần lượt là 219,8 tỷ và 115,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước đó trong năm 2018, FLCHomes cũng mua hàng của FLC với tổng giá trị đạt 1.071 tỷ đồng.

Không những thế, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, một lượng lớn tài sản của FLCHomes có ít nhiều liên quan tới FLC và các công ty thành viên (hoặc từng là công ty thành viên).

Cụ thể, FLCHomes đang cho FLC vay ngắn hạn 48,1 tỷ đồng và gần 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC Faros cũng nợ ngắn hạn FLCHomes 116,2 tỷ.

Bên cạnh đó, FLCHomes cũng có khoản phải thu ngắn hạn CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển An Bình (An Bình) 225 tỷ đồng và phải thu về cho vay ngắn hạn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Đầu tư phát triển Thịnh Phát (Thịnh Phát) 151,2 tỷ đồng. Trong đó, Thịnh Phát không phải cái tên quá xa lạ khi vào quý II/2019 đã vay CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (một công ty liên quan tới Tập đoàn FLC) 85,6 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng (kể từ ngày 23/1/2018), lãi suất cho vay 6%/năm.

Theo tìm hiểu của PV, Người đại diện theo pháp luật của An Bình và Thịnh Phát cùng là bà Trịnh Thị Thanh Huyền. Đáng chú ý, bà cũng đang đứng tên cho CTCP Rosland (doanh nghiệp thành lập ngày 2/11/2019, tiền thân có tên là CTCP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes).

Dù vậy, trên giấy tờ, FLC trong quý III/2019 đã thoái toàn bộ phần vốn trị giá 100 tỷ đồng tại An Bình (thời điểm đó là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khánh Hòa FLC). Ngoài ra, tính đến hiện tại FLC và ROS cũng thoái xong vốn tại Rosland.

Không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi với chất lượng tài sản của FLCHomes, đặc biệt sau khi các chỉ tiêu tài chính lần đầu được hé lộ. Trong lúc này, sau màn “roda” với tần suất dày của lãnh đạo FLC vào cuối năm ngoái, vẫn chưa rõ thời điểm FLCHomes lên sàn, kể cả UpCom - sàn có điều kiện “dễ thở” hơn khá nhiều.

Chưa kể, FLCHomes cũng đang rót 625,5 tỷ nắm 49,43% vốn CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản An Lộc và sở hữu khoản đầu tư 470,4 tỷ tại CTCP Đầu tư và Phát triển Vạn Tường. Đáng chú ý, hai công ty này đều có địa chỉ nhận thông báo thuế tại tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Như vậy, gần 1.645 tỷ đồng tài sản của FLCHomes bị chiếm dụng bởi các công ty có nhiều liên hệ với nhóm FLC, tương đương gần 39,54% vốn điều lệ FLCHomes.

Thực tế, với vị thế là một mắt xích trong hệ sinh thái tương hỗ, tương trợ của FLC, không ngạc nhiên khi phần lớn tài sản FLCHomes có liên quan tới Tập đoàn. Ở một góc nhìn tích cực, đây được đánh giá là lợi thế cho FLCHomes khi có thể huy động nguồn lực lớn, tận dụng sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp thành viên, cũng như từ chính Tập đoàn FLC. Dĩ nhiên, điều này phải dựa trên sự tuân thủ quy định pháp luật, tính minh bạch trong các thương vụ, cũng như khả năng thu hồi các khoản nợ này.

Theo Nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/khoi-tai-san-hon-6000-ty-cua-flchomes-co-gi-dang-gia-d33140.html

Bạn đang đọc bài viết Khối tài sản hơn 6.000 tỷ của FLCHomes có gì đáng giá? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp