Vietravel đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 giảm sâu
Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel mới đây đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Theo đó, Vietravel thông qua kết quả kinh doanh năm 2019 với doanh thu 7.432 tỷ đồng, lãi sau thuế 44 tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu Vietravel tăng 3% nhưng lợi nhuận giảm 24%.
Sang năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi.
Dự báo tình hình du lịch trong nước, Vietravel cho biết, theo kịch bản kinh tế vĩ mô do các tổ chức quốc tế đưa ra, ngành du lịch sẽ phục hồi sớm nhất là khoảng quý 3/2020, đây là khoảng thời gian kích cầu lại thị trường du lịch. Việt Nam hiện có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam sau khi dịch bệnh kết thúc và có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi.
Trong giai đoạn đầu phục hồi, các nhóm ngành như dịch vụ nhà hàng, khách sạn và hàng không cả trong nước và trên thế giới đều sẽ triển khai hàng loạt các chương trình giảm giá kích cầu thị trường thu hút lại khách du lịch. Đây là cơ hội cho ngành du lịch phục hồi theo các dịch vụ để triển khai nhiều sản phẩm mới lạ, có chính sách giá sốc để thu hút lại khách.
Theo Tổng cục Du lịch, dự báo từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm 95% tổng lượt khách trong năm 2020. Vì vậy, cần tập trung vào vấn đề kích cầu du lịch nội địa, với chương trình Người Việt nam đi du lịch Việt Nam, để bù đắp cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế, giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp và tạo ra việc làm cho người lao động trong các ngành du lịch, khách sạn, hàng không.
Theo Vietravel, nhiều quốc gia trên thế giới đang có động thái mở cửa lại sau dịch nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ nhất, theo đó dự báo visa các quốc gia Đông Bắc Á sẽ được cấp lại vào quý 3, các đường bay đến Đông Nam Á cũng sẽ sớm mở lại trong quý này. Đây là tín hiệu tốt để các công ty lữ hành khai thác lại thị trường du lịch nước ngoài cũng như sớm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong năm 2020, Vietravel đặt mục tiêu tái cấu trúc toàn bộ công ty. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu là duy trì đội ngũ nhân sự và phục hồi từng mảng kinh doanh nhanh nhất.
Một số nhiệm vụ của Vietravel năm tới là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Vietravel Holding mới, phù hợp với nhiệm vụ định hướng kinh doanh. Hệ sinh thái kinh doanh của mô hình Holdings sẽ gồm 3 mảng chính: Vận tải, Lữ hành, Thương mại dịch vụ.
Bên cạnh đó, Vietravel có nhiều kế hoạch liên quan đến công nghệ, như chuyển đổi hình thức marketing của toàn công ty sang hình thức tiếp cận số; hoàn thiện hệ thống bidding online trên cả 2 thị trường trong và ngoài nước; tập trung đầu tư về công nghệ và chuyển đổi hình thức kinh doanh sang kênh bán online; số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả cán bộ nhân viên làm việc 100% trên hệ thống phần mềm...
Về tài chính, Vietravel năm nay sẽ phát hành 4,33 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, với giá không thấp hơn giá cổ phiếu trên sàn UPCoM. Bên cạnh đó, công ty sẽ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.
Hậu Covid-19 Vị thế chủ động trước vận hội mới
Tại Hội thảo trực tuyến "Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới" do Báo Trí Thức trẻ tổ chức, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng đã có những chia sẻ về việc Việt Nam có nên mở sớm đường bay thương mại hay không.
Theo ý kiến của ông Kỳ, việc mở cửa thị trường quốc tế là cần thiết nhưng phải đi song song với an toàn.
"Đã đến lúc chúng ta phải tính toán mở cửa nhưng trên cơ sở thận trọng, đảm bảo an toàn. Muốn vậy, Chính phủ, Bộ Y Tế cần quy định quy chuẩn thị trường an toàn, có sự công nhận lẫn nhau giữa các nước để mở cửa".
Ông Kỳ cho biết chúng ta có thể xây dựng bộ tiêu chí an toàn theo hướng xét dựa trên số ca nhiễm trên 1 triệu dân, ở những nước như Việt Nam tỷ lệ này rất an toàn, dưới 0,2 ca nhiễm trên 1 triệu dân. Chúng ta xây dựng các mức an toàn màu xanh, vàng, đỏ, nước nào đạt chuẩn màu xanh thì chúng ta ký "tay đôi" với họ và đảm bảo không có khách bay từ nước thứ ba vào.
"Cần phải mở, chúng ta biết như Thái Lan hay Singapore hiện nay đã chấp nhận khách Việt Nam ở Việt Nam 14 ngày sang đó không phải cách ly tập trung nữa, vì thế việc mở lại thị trường quốc tế vừa giúp ngành du lịch, vừa giúp ngành hàng không, vừa giúp các ngành nghề khác phát triển" - ông Kỳ nói.
Với 3 kịch bản, mở cửa vào tháng 8, tháng 11 hoặc tháng 2 năm sau, thì kịch bản tháng 8, theo ông Kỳ là đẹp nhất. Mở cửa tháng 8 sẽ áp dụng với một số quốc gia và khu vực trọng điểm, chiếm tới 70% khách du lịch vào Việt Nam trong đó bao gồm 5 nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan, mở thứ tự từng nước và vùng lãnh thổ một.
"Chúng tôi đánh giá càng chậm càng mất cơ hội vì nếu những năm trước chúng ta quảng bá thị trường điểm đến chưa thành công, thì nay có thể chọn thị trường trọng điểm để đầu tư, kéo khách sang mình", ông Kỳ dự tính.
Đánh giá về thị trường trong nước, ông Kỳ cho rằng mặc dù Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch song có một điểm sáng đó là qua đại dịch này chúng ta nhìn nhận lại rằng thị trường nội địa thời gian qua đã bị bỏ ngỏ, thị trường lớn nhất với 100 triệu dân nhưng chúng ta đầu tư chưa đúng mức với sự phát triển, các sản phẩm "na ná" như nhau, chất lượng chưa cao.
Hiện nay chúng ta đang tạo ra các sản phẩm giá tốt, chất lượng tốt cho thị trường nội địa. Ông Kỳ cho rằng, dù sau dịch có hay không có khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam phải nhìn thấy cần đầu tư cẩn thận vào thị trường trong nước. "Trong định hướng phát triển sắp tới cần đánh giá lại vị trí kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp của ngành du lịch".
Mộc Diệp(TH)/ Sở hữu trí tuệ