Vì sao Lọc hóa dầu Bình Sơn phải xin miễn giảm thuế?
Trong quý 1/2020, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lỗ ròng kỷ lục hơn 2.300 tỷ đồng ghi nhận quý lỗ thứ 2 kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1-2018, đều có nguyên nhân từ giá dầu thô lao dốc.
Sau khoản lỗ khủng trong quý 1, doanh nghiệp này dự báo tiếp tục lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý 2 bất chấp thỏa thuận OPEC+ cắt giảm 10 triệu thùng dầu bắt đầu có hiệu lực cùng với việc các nước đang dần mở cửa trở lại giúp giá dầu thoát đáy.
Kết quả lợi nhuận âm của BSR là không bất ngờ trong bối cảnh các nhà máy lọc hóa dầu trong nước và nước ngoài đều bị thiệt hại do tác động kép từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lan rộng và giá dầu thô lao dốc.
Trước rất nhiều khó khăn, Công ty đã đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nhiều giải pháp; trong đó được miễn giảm một số loại thuế để khắc phục khó khăn hiện nay cũng như thời gian tới.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ là do theo thông lệ của các nhà máy lọc dầu, BSR phải mua trước dầu thô theo các hợp đồng được ký từ khoảng tháng 11- 12/2019 với công thức giá dựa trên giá dầu thô tham chiếu và phụ phí.
Cụ thể, tại thời điểm ký hợp đồng, giá dầu tham chiếu Dated Brent khoảng 65-70 đô la Mỹ (USD)/thùng nên khi nhập kho, chế biến và xuất bán sản phẩm vào thời điểm giá dầu lao dốc (vùng giá dầu thấp nhất khoảng tháng 4/2020 và giá dầu tham chiếu Dated Brent thấp nhất là 13,2 USD/ thùng vào ngày 21/4/2020) thì tổn thất do giảm giá hàng tồn kho rất lớn, nhất là trong giai đoạn tháng 3-4/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ hết sức khó khăn.
Ngoài ra, do lệnh đóng cửa giữa các quốc và yêu cầu giãn cách xã hội tại Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xăng, dầu, nhiên liệu bay tại quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng bị giảm kỷ lục.
Khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (yếu tố quyết định lãi/lỗ chế biến của nhà máy lọc dầu) bị thu hẹp và có nhiều thời điểm, giá sản phẩm thấp hơn giá dầu thô. Do đó, lợi nhuận chế biến của nhà máy trong 6 tháng đầu năm bị âm.
Nỗ lực vượt qua khủng hoảng
Trước tình hình kể trên, BSR đã phải xem xét tất cả các phương án, bao gồm cả phương án dừng sản xuất. Đặc biệt là công ty sớm chế biến hết lượng dầu mua với giá cao để vượt qua vùng lỗ và tận dụng cơ hội mua và chế biến dầu thô giá thấp để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh có lãi.
Để cải thiện dòng tiền, hiện BSR phải điều chỉnh giảm công suất nhà máy về mức tối ưu, thương thảo với khách hàng để giải phóng tồn kho, thu hồi các khoản phải thu. Mặt khác, điều chỉnh lại công tác mua dầu thô, công tác thương mại, tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà cung cấp để giảm áp lực tồn kho, dòng tiền.
Ngoài ra, lãnh đạo công ty cho biết đã tăng cường việc tiết giảm chi phí, các chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác phục vụ công tác bán hàng, quản lý… để nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành.
Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các chính sách tài chính để hỗ trợ BSR như các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế; chính sách ưu đãi phù hợp để đảm bảo hiệu quả và khả năng thu xếp vốn cho Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xem xét miễn thuế bảo vệ môi trường cho lượng nhiên liệu đốt nội bộ phục vụ quá trình sản xuất.
BRS cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh cách xác định chi phí tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức giá cơ sở theo quy định để phù hợp với thực tế thị trường, góp phần ổn định thị trường xăng dầu và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nguồn hàng trong nước so với nhập khẩu...
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ