Hàng loạt các 'tổ lái' thao túng giá cổ phiếu
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ chuyện cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, mã chứng khoán: FTM) đổ đèo không hồi kết, "đo sàn" kỷ lục 24 phiên liên tiếp sau đợt tăng nóng 65% nghi có dấu hiệu của việc thao túng giá cổ phiếu.
Số lượng công ty chứng khoán bị thiệt hại liên quan tới cổ phiếu FTM lên tới con số 11 và thêm 1 ngân hàng liên quan.
Ngay khi cổ phiếu FTM giảm sàn, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc thao túng giá cổ phiếu do cơ cấu cổ đông của FTM rất cô đặc khi gần 80% lượng cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông lớn nhưng khối lượng đặt bán trong những ngày trước đó có phiên lên tới hơn 32,8 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 65% tổng số cổ phiếu.
Sau cuộc họp của các đơn vị hại, các công ty chứng khoán và ngân hàng đã đưa ra nhận định cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của FTM, đã từ nhiệm từ tháng 4/2019 và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.
Các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, cho thấy có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.
Câu chuyện về cổ phiếu FTM bị thao túng mới "bớt" nóng, thì mới đây, câu chuyện thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto khiến không ít người phải thốt lên “không còn gì để nói”. Vì Tập đoàn Tân Thành Đô, là cổ đông sáng lập và từng là công ty mẹ của CTF dính án phạt vì thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto.
Tập đoàn Tân Thành Đô, là cổ đông sáng lập và từng là công ty mẹ của CTF dính án phạt vì thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto. |
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ngày 29/6/2020, cơ quan này ban hành quyết định xử phạt CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô (232 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) và một cá nhân, ông Ngô Văn Cường. Tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Tân Thành Đô bị phạt 1,2 tỷ đồng, cá nhân ông Ngô Văn Cường bị phạt 550 triệu đồng.
Được biết, Tập đoàn Tân Thành Đô là cổ đông sáng lập của City Auto với tỷ lệ nắm giữ ban đầu là 58,33% tuy nhiên sau khi cổ phiếu CTF lên sàn vào tháng 5/2017, Tân Thành Đô đã liên tiếp bán ra cổ phiếu này và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 13,26% (tính đến cuối năm 2019).
Đối với ông Ngô Văn Cường, trong tháng 6 ông Cường đã 2 lần bán ra cổ phiếu CTF với tổng khối lượng là 860.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,55% xuống 1,89%. Nhóm cổ đông liên quan đến ông Cường cũng chỉ còn nắm 4,79% vốn điều lệ của City Auto (tương ứng 2,18 triệu cổ phiếu CTF).
Nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng từng nhận án phạt tiền tỷ vì thao túng, làm giá cổ phiếu như KSA, DS3, ANV, DTL, PIV…, nhưng sai phạm ở các cá nhân là chính.
Tại DTL, bà Nguyễn Thanh Loan bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì đã sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.
Cụ thể, hồi tháng 4 vừa qua, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thanh Loan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) số tiền 550 triệu đồng vì hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Theo thông tin từ UBCKNN, bà Loan đã sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DTL của CTCP Đại Thiên Lộc. Một điểm trùng hợp là danh sách lãnh đạo và cổ đông lớn của Đại Thiên Lộc cũng có một cá nhân tên Nguyễn Thanh Loan.
Không chỉ trùng tên mà bà Nguyễn Thanh Loan bị UBCKNN xử phạt còn trùng cả địa chỉ thường trú với vị CEO của Đại Thiên Lộc khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Loan đang thao túng chính cổ phiếu của công ty mà mình điều hành.
Các sai phạm đều có bóng dáng lãnh đạo?
UBCK phát hiện và xử phạt kịch khung nhiều hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhưng dường như chưa khiến những chủ nhân có ý đồ sai phạm sợ hãi. Các “tổ lái” vẫn tiếp tục hành động, số vụ xử phạt chưa giảm xuống và thị trường vẫn có nhiều con sóng bất thường.
Có một điều đáng chú ý tại các thông báo quyết định xử phạt đều có phần “sau khi tính toán kiểm tra, UBCKNN thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, nếu không có lợi thì tại sao lại vi phạm là câu hỏi không dễ trả lời. Không có lợi mà các vụ việc có vẻ như không ít đi, việc xử phạt tới hơn nửa tỷ đồng cũng không khiến các nhà đầu tư e ngại mà vẫn quyết “liều mình”?
Để lý giải cho những thắc mắc này, giới phân tích lâu nay vẫn truyền tai nhau về một “định luật” về nhiều cổ phiếu không có yếu tố “tạo lập thị trường” sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư kéo thanh khoản và giá trị giao dịch tăng. Và để tạo lập được thị trường thì nhất định phải có sự hậu thuẫn từ các cổ đông lớn, thường là ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Thực tế là đã không ít doanh nghiệp sử dụng “phong trào” này để làm hình ảnh cho cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán và đã gặt hái được thành công. Thế nhưng đây thật sự là một “con dao hai lưỡi” bởi cũng đã có lãnh đạo phải trả giá đắt cho sự lựa chọn của mình.
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất các sai phạm đều có bóng dáng lãnh đạo, cổ đông lớn của doanh nghiệp. Theo đó, chế tài xử phạt có tăng mạnh cũng chỉ là công cụ để hạn chế và răn đe, chứ chưa xử lý được cái gốc của sai phạm.
Cái gốc là trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, sự minh bạch và liêm chính trong quản trị, điều hành công ty phải được thực thi nghiêm túc, giám sát chặt chẽ, mới mong giảm bớt chuyện thao túng, làm giá trên thị trường.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn có tình trạng “ông chủ”, tức là được kiểm soát bởi một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông lớn. Các cổ đông còn lại thường phân tán, thiếu sự đối trọng, nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, cũng như bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ chính những người trong nội bộ công ty.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ