Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cái bắt tay của 2 gã khổng lồ trong ngành hàng thiết yếu Vinamilk và Kido

Mai Hương(T/H) 15:30 01/07/2020

Ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido, cho biết việc bắt tay giữa hai thương hiệu Việt sẽ tạo ra một liên kết vững chãi ngay trên thị trường sân nhà, tận dụng các thế mạnh của nhau.

Vinamilk bắt tay với Kido lập liên doanh mới

Mới đây, CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) cùng CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã ký thỏa thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem có tên Vibev. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%.

Ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido, cho biết việc bắt tay giữa hai thương hiệu Việt sẽ tạo ra một liên kết vững chãi ngay trên thị trường sân nhà, tận dụng các thế mạnh của nhau. Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nội bắt tay với nhau nhằm củng cố sức mạnh, tận dụng lợi thế (am hiểu được người tiêu dùng trong nước) từ đó tạo nên sức mạnh lớn hơn, hạn chế tình trạng bị thâu tóm bởi tay chơi bên ngoài lãnh thổ.

Liên doanh mới có tên Vibev viết tắt của Vietnam Beverage, sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh nước giải khát, gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa..., sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Thị trường nước giải khát tăng khoảng 8.4% một năm, và từ 2022 tốc độ sẽ là 6%, dự kiến đạt doanh thu 134.302 tỷ đồng vào năm 2020.

"Vibev cũng có tham vọng riêng là hướng đến xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam khỏe mạnh, bổ dưỡng, sẽ không tham gia thị trường nước có gas", ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Kido cho biết.

Thông tin này được đưa ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Thực phẩm đông lạnh Kido – KidoFoods (KDF) nhằm thông qua phương án sáp nhập vào Tập đoàn mẹ Kido với tỷ lệ hoán đổi 1:1,3.

Cổ đông Kido Food nhanh chóng thông qua kế hoạch sáp nhập về Công ty KDC. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tại kỳ đại hội đồng cổ đông ngày 9/6 vừa qua của Kido Foods, kế hoạch sáp nhập Kido Foods vào KDC cũng được trình đến cổ đông và nhận được đồng thuận cao. Theo đó, Kido Foods sẽ sáp nhập toàn bộ để trở thành Công ty TNHH Một thành viên do Kido sở hữu 100%. Dự tính đến tháng 10 năm nay, Kido và KDF có thể hoàn tất các thủ tục liên quan.

Cái bắt tay của 2 gã khổng lồ ngành hàng thiết yếu

Có thể thấy rằng, Kido từng là tên tuổi lớn trong ngành bánh kẹo với thương hiệu Kinh Đô. Tập đoàn đã quyết định rời sân chơi nhiều năm trước đây, và một trong những nguyên nhân theo Đại diện là quy mô thị trường không đủ lớn.

Còn Vinamilk là hãng sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm hơn 50%. Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn KIDO, ông Trần Lệ Nguyên, chia sẻ: “Vinamilk có lợi thế về thương hiệu và thị trường trong nước lẫn xuất khẩu sẽ giúp đưa mảng kem đi xa hơn. Nhờ lợi thế quy mô, giá nguyên vật liệu sữa và đường của Vinamilk rẻ hơn 10-20% so với nguyên vật liệu mà KIDO mua từ các nhà cung cấp”.

KDC còn cho biết, liên doanh sẽ tích hợp được thế mạnh về hệ thống kênh phân phối của cả KDC và VNM. Với quy mô kênh phân phối hợp nhất hơn 1 triệu điểm bán, tính nôm na mỗi ngày chỉ cần cứ 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai nước, thì mỗi ngày liên doanh đã có thể tiêu thụ 1 triệu chai.

Cùng với đó, cả 2 đơn vị đều có năng lực về nhà máy sản xuất, đặc biệt là VNM có năng lực sản xuất rất lớn. Cộng thêm đó là năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm – đều là yếu tố được xem là tảng của 2 đơn vị.

Mục tiêu của liên doanh cũng là đẩy mạnh xuất khẩu, bước đầu sẽ có sự hỗ trợ từ mạng lưới xuất khẩu 30 thị trường của VNM. Trong đó, VNM với lợi thế về thương hiệu, kênh phân phối cũng sẽ hỗ trợ cho KDC về ngành kem, bánh kẹo... đặc biệt thị trường xuất khẩu cũng như giảm được giá nguyên vật liệu. Hiện, giá nguyên vật liệu của VNM đang thấp hơn KDC 10-20% do VNM có lợi thế về quy mô, ông Trần Lệ Nguyên cho hay.

Phó tổng giám đốc KDC, ông Mai Xuân Trầm tin rằng đây là ngành hàng tiềm năng, quy mô lớn không chỉ trong nước mà còn cả thế giới. Ông hy vọng việc thành lập liên doanh sẽ tận dụng được sức mạnh của hai bên và tạo bứt phá trên thị trường.

Cũng trong đại hội ngày 9/6, ông Nguyên cho biết sẽ quay lại thị trường bánh kẹo, từng là thế mạnh của tập đoàn sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho Mondelez. Lần trở lại này KDC sẽ chọn lọc sản phẩm để ra mắt thị trường đồng thời cũng mở rộng sang cả thị trường Snacking (món ăn vặt đóng gói), khai thác quy mô thị trường khoảng 51.000 tỉ đồng.

Theo ông Nguyên, đến tháng 7/2020 là hết thời hạn 5 năm cam kết không tham gia mảng bánh kẹo và việc trở lại khi nhận thấy biên lợi nhuận ngành vẫn cao. Kido cũng sẵn sàng tham gia lại thị trường bánh trung thu trong mùa tết trung thu năm nay.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Cái bắt tay của 2 gã khổng lồ trong ngành hàng thiết yếu Vinamilk và Kido tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp