Ngày 7/10, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội khẳng định dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty CP Hàng không Vinpearl Air đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 92 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
30 tàu vào năm 2025 là phù hợp
Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý Công ty Vinpearl Air về nhiều vấn đề trong kế hoạch phát triển của hãng. Trong đó, quy mô đội máy bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường, số lượng chỉ nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025.
Kế hoạch này hoàn toàn phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020. Tuy nhiên, Bộ GTVT khuyến cáo Vinpearl Air cần bổ sung kế hoạch đỗ máy bay đến 2025. Theo dự báo, Cảng HKQT Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ không còn vị trí đỗ máy bay, slot (giờ điều phối hạ, cất cánh) khai thác trong giai đoạn đến năm 2022.
Theo Quyết định số 236 của Thủ tướng Chính phủ và dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025.
Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng tàu bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 tàu bay vào năm 2020 và 384 tàu bay vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 nghìn khách /tàu bay/năm). Với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020, quy mô đội tàu bay 6 chiếc như trong dự án là không trái với Quyết định 236/QĐ-TTg.
Về mạng đường bay, được biết, dự án Vinpearl Air dự kiến khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế cho đến năm 2025. Kế hoạch mạng đường bay của Vinpearl Air được đánh giá là không trái với định hướng của Chính phủ. Theo đó, mạng đường bay nội địa có kết nối liên vùng, kết nối các cảng hàng không địa phương các cảng hàng không thứ cấp và mạng đường bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính và thứ cấp đi/đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Sinhgapore và một số quốc gia châu Âu, Mỹ.
Ảnh minh họa |
Khó khăn về hạ tầng
Về chỗ đỗ máy bay, theo kế hoạch, Vinpearl Air sử dụng Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ máy bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài (2 máy bay), tại các Cảng HKQT Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi cảng 1 máy bay).
Mặc dù vậy, với kế hoạch khai thác đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong năm đầu khai thác, Công ty cần cân nhắc, xem xét tính khả thi do vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Công ty Vinpearl Air cần tính toán, xây dựng mạng đường bay dự kiến khai thác cho phù hợp với năng lực của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất với quy mô 30 tàu bay vào năm 2025.
Dự án Vinpearl Air sử dụng Cảng HKQT Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ tàu bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (2020) tại Cảng HKQT Nội Bài (2 tàu bay) và tại các Cảng HKQT Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi cảng 01 tàu bay). Với kế hoạch này, dự án Vinpearl Air phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho năm 2020 (đến năm 2020, toàn bộ hệ thống cảng hàng không có 401 vị trí đỗ tàu bay đáp ứng được nhu cầu khai thác và đỗ qua đêm đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam).
Hiện tại, dự án Vinpearl Air chưa có thông tin về kế hoạch đỗ đội tàu bay qua đêm các năm sau 2020, do vậy, Bộ GTVT cũng khuyến cáo Vinpearl Air cần bổ sung kế hoạch đỗ tàu bay qua các năm và đến 2025. Lưu ý Công ty Vinpearl Air về việc Cảng HKQT Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 nên việc phải bố trí đội tàu bay đỗ qua đêm tại các cảng khác là điều cần tính đến.
Phi công của Vinpearl Air đến từ đâu?
Dự án Vinpearl Air đã đánh giá được nhu cầu sử dụng nguồn lao động giai đoạn từ 2020 đến 2030 và có kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp với nhu cầu phát triển đội tàu bay của Công ty Vinpearl Air.
Dự án có xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, theo đó trong năm đầu tiên khai thác số lao động là 600 người (bao gồm: 60 phi công, 120 tiếp viên...) và đến năm 2024 số nhân sự là 2,250 người (bao gồm 346 phi công, 892 tiếp viên...). Để đạt được kế hoạch này, Công ty Vinpearl Air dự kiến sẽ thuê phi công nước ngoài từ các đối tác nước ngoài Công ty ALG, Flight Crew International, Rishworth trên nguyên tắc không tạo áp lực tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.
Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Vin Group đang triển khai hệ thống các trường đào tạo nhân lực hàng không như Vin Aviation School, Vinpearl Air Aviation, Vin Uni sẽ giúp dự án Vinpearl Air tăng tính khả thi do chủ động được nguồn nhân lực đặc thù của hàng không, cũng như góp phân bổ sung nhân lực cho toàn ngành hàng không.
Theo Nhật Lệ/Tài chính Doanh nghiệp