Thông tin gần đây cho biết, 10 ngân hàng thương mại Việt Nam đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC, tính đến cuối năm 2019.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa chính thức công bố hoàn tất việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, Agribank trở thành ngân hàng thương mại thứ 10 đã sạch nợ xấu tại VAMC.
Ít ngày trước đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã thông báo hoàn thành việc tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC (dùng để mua lại nợ xấu) trước thời hạn (thời hạn trái phiếu này là 5 năm).
Như vậy, theo thông tin công bố thời gian qua và cập nhật đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có 10 thành viên thực hiện được kết quả trên, gồm: Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank và Agribank.
Trong đó, Vietcombank là trường hợp đầu tiên xóa sạch nợ xấu tại VAMC từ cuối năm 2016; tiếp đến là Techcombank nửa đầu năm 2017, rồi đến MB, VIB…
Thời gian qua, một số thành viên khác như ACB và VietinBank cũng đã có lộ trình và thông tin tất toán xong như các thành viên nói trên, tuy nhiên hiện chưa có khẳng định cuối cùng, cũng như riêng trường hợp VietinBank lại có phát sinh lượng lớn nợ xấu bán sang VAMC trong thông tin cập nhật đầu năm nay.
Tính đến cuối năm 2018, lượng trái phiếu VAMC của nhiều ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Theo thống kê từ báo cáo tài chính kiểm toán của 23 ngân hàng đã công bố (không có Agribank), Sacombank là ngân hàng có lượng nợ xấu ở VAMC nhiều nhất với 40.233 tỉ đồng.
Đứng thứ hai và thứ ba là các ngân hàng: SCB với 26.685 tỉ đồng và BIDV với 14.138 tỉ đồng. Dưới BIDV là VietinBank, ngân hàng vừa tuyên bố sạch nợ VAMC vào tháng 6/2018 đã bán sang hơn 13.400 tỉ đồng nợ xấu và thu về trái phiếu đặc biệt trong quí IV/2018.
Nhóm những ngân hàng ở phía dưới TOP 10 đều có số dư trái phiếu VAMC dưới 1.500 tỉ đồng. Những ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC gồm: VietinBank, Techcombank, MBBank, VIB và OCB.
Tổng hợp số dư nợ xấu tại VAMC các ngân hàng. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã mua nợ xấu với quy mô 348.500 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỷ đồng.
Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 31/8/2019, VAMC đã mua được 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 6.821 tỷ đồng.
Lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC từ 15/8/2017 đến 31/8/2019 đạt 77.043 tỷ đồng, bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2019.
Tiết lộ về kế hoạch năm 2020, VAMC đặt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 60.000 tỷ đồng; mua 8.400 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Tổng số tiền thu hồi nợ dự kiến đạt 21.720 tỷ đồng, trong đó thu từ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 15.000 tỷ đồng, thu từ nợ mua theo giá thị trường 6.720 tỷ đồng.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ