Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

EVN nộp ngân sách năm 2019 đạt 27.200 tỷ đồng

DTVN 10:40 26/12/2019

Lợi nhuận Công ty mẹ EVN ước đạt 950 tỷ đồng đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của toàn Tập đoàn là 27.200 tỷ.

Sáng 25/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.

Theo báo cáo tập đoàn, tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2019 đạt 231,1 tỷ kWh, tăng 8,85% so với năm 2018. Trong đó, điện sản xuất từ các nhà máy điện của Công ty mẹ EVN là 41,55 tỷ kWh.

Điện thương phẩm năm 2019 đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018. Công tác điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống.

Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có chuyển biến tốt, đã cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công hoặc cổng thông tin dịch vụ công tại 63 tỉnh/thành phố. Từ tháng 12/2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ cấp điện qua lưới trung/hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4.

Về tiết kiệm chi phí, các đơn vị trong Tập đoàn đã nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chống lãng phí nên đã tiết kiệm được 1.524 tỷ đồng (tương đương 7,5% chi phí định mức). Giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu khoảng 13.266 tỷ đồng (gồm cả chi phí SXKD và chi phí đầu tư) tương ứng tiết kiệm 16,4%.

Tổn thất điện năng năm 2019 toàn Tập đoàn ước đạt 6,5% thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Năng suất lao động SXKD điện toàn Tập đoàn đạt 2,41 triệu kWh/người, tăng 10% so với năm 2018.

EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến cuối năm 2019 là 712.678 tỷ đồng (tăng 6.174 tỷ đồng so với năm 2018), trong đó vốn chủ sở hữu là 219.092 tỷ đồng (tăng 1.646 tỷ đồng).

Lợi nhuận Công ty mẹ EVN ước đạt 950 tỷ đồng đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Giá trị nộp ngân sách năm 2019 của toàn Tập đoàn là 27.200 tỷ đồng, tăng 2.089 tỷ đồng so với năm 2018.

Trong công tác đầu tư xây dựng, Tập đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư các dự án điện được giao, đã hoàn thành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện như: Hoàn thành phát điện thương mại NMNĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng (600MW) vượt tiến độ 3 tháng; hòa lưới phát điện NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng (688MW). Các đơn vị đã hoàn thành 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 140,15MWp.

Toàn Tập đoàn khởi công 196 công trình và hoàn thành 192 công trình lưới điện từ 110-500kV. Trong đó đã hoàn thành các công trình quan trọng như: Lưới điện đồng bộ TTĐL Vĩnh Tân, Long Phú, NĐ Hải Dương, Sông Hậu 1, giải tỏa thủy điện khu vực Lai Châu và một số công trình giải tỏa NLTT khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận...

Lãnh đạo EVN cho biết: Năm 2020, Tập đoàn xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi. Chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than, khí cho phát điện. Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, các địa phương để cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020 đảm bảo hiệu quả cao nhất. Cùng với đó siết chặt kỷ luật vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư các công trình nguồn và lưới điện, phấn đấu hoàn thành các dự án: Thủy điện Thượng Kon Tum và 4 dự án điện mặt trời (249MWp), gồm: Phước Thái 1, Sê San 4, Phước Thái 2, Phước Thái 3. Khởi công 2 dự án: Nhiệt điện Quảng Trạch I và thủy điện Hoà Bình mở rộng.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng được Chính phủ giao, trong đó hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn để khởi công trong năm 2021 như các dự án thủy điện Ialy mở rộng, nhiệt điện Ô Môn IV, nhiệt điện Dung Quất I.

Khởi công 218 công trình và hoàn thành 240 công trình lưới điện 110-500kV, trong đó tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, như: Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (hoàn thành tháng 6/2020); lưới điện đồng bộ Nhiệt điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn 2; giải tỏa công suất nguồn NLTT và nguồn thủy điện Tây Bắc; lưới điện liên kết đấu nối nguồn điện từ Lào về Việt Nam; các công trình trọng điểm cấp điện cho miền Nam, TP Hà Nội và các phụ tải quan trọng.

Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức sản xuất phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Điện của Chính phủ. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Một số mục tiêu chủ yếu năm 2020 của EVN

- Điện sản xuất và mua: 251,62 tỷ kWh, tăng 8,9% so với năm 2019;

- Điện thương phẩm: 227,99 tỷ kWh, tăng 8,9% so với năm 2018;

- Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện: phấn đấu giảm SAIDI xuống 400 phút;

- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 6,5%;

- Chỉ số tiếp cận điện năng: duy trì vị trí trong ASEAN 4;

- Đầu tư xây dựng: tổng giá trị 93.216 tỷ đồng;

- Năng suất lao động tăng 8-10%;

- Bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận.

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/evn-nop-ngan-sach-nam-2019-dat-27200-ty-dong-d10313.html

Bạn đang đọc bài viết EVN nộp ngân sách năm 2019 đạt 27.200 tỷ đồng tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp