Gánh nặng dư nợ mang tên BOT, BT
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2019, ước tính dư nợ các dự án BOT, BT có quy mô gần 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Theo theleader, trong đó, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Đó mới chỉ là con số dư nợ của các dự án đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, trong khi nếu tính cả các dự án chưa hoàn thành, hoặc đã hoàn thành và có doanh thu ban đầu đạt như phương án tài chính thì con số dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT còn lớn hơn nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn.
Theo Danviet, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.
Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng, đó là con số rất lớn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT giao thông thường là: Lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; Phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; Trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.
Điều đáng nói là có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn tụt, do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính, hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Trong đó, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng; BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng; SHB có 5 dự án với dư nợ 3.910 tỷ đồng.
Rủi ro nợ xấu của VietinBank đang ở mức báo động như thế nào?
Xét về rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại trong câu chuyện dư nợ BOT, BT, có thể nói đến ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), vì đây là ngân hàng tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án của Tập đoàn Đèo Cả.
Được biết, Tập đoàn Đèo Cả (DeoCa Group) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất đang triển khai nhiều dự án BOT, BT tại Việt Nam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, hiện là chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng.
Từ 2013, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp nhiều lần tại Vietinbank.
Không chỉ riêng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, các dự án BOT, BT khác đang được công ty thành viên thuộc tập đoàn Đèo Cả thực hiện cũng được thế chấp tài sản tại Vietinbank.
Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, theo theleader.
Hiện các ngân hàng thương mại là VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank đều đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án với tổng hạn mức 6.850 tỷ đồng (bằng 70% tổng mức đầu tư dự án) nhưng chưa thể giải ngân được, do nhiều nguyên nhân, theo thanhtra.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, với BOT, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí…, vì nó tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống NHTM.
Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được thành lập năm 2010 để đầu tư, thực hiện Dự án trọng điểm Quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1 (QL1) thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, theo hình thức BOT và BT (với tổng mức đầu tư khoảng 11.377 tỷ đồng); Dự án đầu tư bổ sung hạng mục xây dựng hầm Đèo Cù Mông vào dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (tổng mức đầu tư bổ sung khoảng 3.921 tỷ đồng). Gần đây nhất, Công ty thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân (với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng). Việc gánh trọng trách thực hiện 3 dự án hầm đường bộ lớn nhất cả nước, theo vietinbank. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ