Chịu lỗ ròng 900 tỷ đồng, Grab vẫn không hề có ý định dừng lại
Theo Zing, dù là siêu ứng dụng chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam với doanh thu 2.200 tỷ đồng năm 2018 thì Grab vẫn công bố khoản lỗ ròng lên đến 900 tỷ đồng.
Grab hiện nay dẫn đầu cuộc đua "đốt tiền" tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của ABI cho thấy Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe. Do đó, với số liệu khoảng 1,1 USD ngân sách khuyến mại, tặng thưởng trên mỗi chuyến, ông ước tính Grab đã chi hơn 160 triệu USD trong 6 tháng qua.
Grab hiện nay dẫn đầu cuộc đua "đốt tiền" tại Việt Nam. |
Theo Trí Thức Trẻ, nếu như mỗi cuốc xe, Grab thu được 22,5% trên mỗi giao dịch, thì siêu ứng dụng này lại mất đi chừng 43,7% cho các hoạt động khuyến mãi, GrabRewards, tích tem trúng thưởng… dù vẫn theo style "lấy mỡ nó rán nó".
Với mỗi chuyến xe, Grab thu của đối tác (tài xế) 28,375% trong đó 25% là hoa hồng dành cho Grab và 3,375% là thu hộ tài xế (tính trên tổng cước chuyến xe). Khoản thu hộ đó gồm 3% VAT (Thuế giá trị gia tăng) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của đối tác (tính trên thu nhập của tài xế).
Trên 25% hoa hồng nhận được, Grab phải đóng 10% VAT.
Ví dụ một chuyến xe 100.000 đồng. Grab thu được 25.000 đồng và đóng VAT hết 2.500 đồng. Đối tác nhận được 75.000 đồng trong đó 2.250 đồng là thuế VAT (Grab thu hộ) và 1.125 đồng là thuế thu nhập cá nhân (Grab cũng thu hộ). Vậy Grab "thu" được 22,5% trên mỗi giao dịch.
Bình quân Grab đang lỗ chừng 1 USD/giao dịch. Tuy nhiên, nếu huy động thành công 6,5 tỷ USD, Grab dư sức đốt tiền thêm 15 năm nữa…
Grab vẫn trong giai đoạn "đốt tiền" và chưa hề có ý định dừng lại. Họ "đốt" rất bạo trên mọi mặt trận từ gọi xe, giao đồ ăn cho đến ví điện tử.
Theo ghi nhận từ Vtv, ông Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab cho biết ông đã gặp CEO SoftBank - ông Masayoshi vào tuần trước. Ông Masayoshi đã đồng ý dành cho Grab sự hỗ trợ không giới hạn để tiếp tục phát triển. Có lẽ động thái "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền" này đến từ câu nói "sẽ hỗ trợ Grab không giới hạn" từ ông chủ của Softbank - Masayoshi Son. Đây được xem là cơ sở cho mục tiêu gọi vốn cũng như kế hoạch mở rộng kinh doanh của Grab.
Ông Masayoshi, CEO SoftBank - Người đồng ý dành cho Grab sự hỗ trợ không giới hạn để phát triển. |
Grab đặt mục tiêu gọi vốn thêm 2 tỷ USD trong năm 2019. Nếu thành công, Grab sẽ nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn Series H hiện tại lên tới hơn 6,5 tỉ USD trước cuối năm 2019.
Ngoài ra, Grab cũng công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực. Cụ thể, Grab sẽ đầu tư với cam kết thực hiện ít nhất 6 khoản đầu tư hoặc mua lại trên toàn khu vực Đông Nam Á trong năm nay.
Ngừng đốt tiền – Grab sẽ chết?
Grab sẽ ra sao, nếu dừng "đốt tiền"? Trả lời cho câu hỏi này, CEO Fastgo Nguyễn Hữu Tuất cho rằng Grab đã tạo ra được Network Effect (hiệu ứng mạng lưới). Nên Grab vẫn tồn tại. Grab có hệ sinh thái thanh toán, food, delivery, finance để tạo ra giá trị và nguồn thu mới.
Tuy nhiên, Grab sẽ gặp khó khăn nếu có khủng hoảng kinh tế, chính trị hoặc một làn sóng tẩy chay người dùng/tài xế vì một yếu tố nào đó về văn hoá (như kiểu xúc phạm dân tộc).
Cũng chia sẻ về cuộc đua đốt tiền của các sàn thương mại điện tử hiện nay, tương tự như câu chuyện "đốt tiền" chưa có hồi kết của Grab, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker cho rằng đầu tư vào các sàn TMĐT lớn là cuộc đua có tính rủi ro, không thể rút ra được.
Như vậy, có thể thấy, cũng tương tự như đầu tư vào Grab, muốn rút ra trong khi vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được..
Theo ông Trần Bằng Việt, cuộc đua “đốt tiền” chỉ hiệu quả cách đây 3 năm khi thị trường còn mới chớm.
“Chi phí lớn nhất cần bỏ ra là lôi kéo khách hàng, nhưng đến nay người Việt Nam không còn cần được giáo dục về việc gọi xe công nghệ nữa. ‘Đi Grab’ đã là một động từ, một thói quen. Thị trường gọi xe công nghệ đã hoàn thiện với phần thắng thuộc về Grab, và thực tế này sẽ không thay đổi trong ít nhất 3 năm tới, trừ phi có rủi ro quá lớn về chính trị, xã hội”, vị này nhận định.
Do đó, theo ông, những tên tuổi đến sau như Be, Go-Viet hay FastGo cần hướng đến mục tiêu bền vững thay vì “đốt tiền”.
“Quan điểm ngừng đốt tiền sẽ chết chưa hẳn đã đúng, vì chiến lược này chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ khách hàng nhạy cảm về giá. Do đó, các hãng có thể tìm hướng tiếp cận mới, bán bia kèm lạc và vươn lên đứng vị trí thứ 2, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng chuyến xe”, ông khẳng định.