Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận 8.909 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,0% và 3.703 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 46,5% kế hoạch doanh thu và và 56,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng tăng nhẹ từ 50,43% trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 51,48% trong 6 tháng đầu năm 2019 nhờ giá vốn có mức tăng nhẹ hơn so với tăng trưởng doanh thu và ACV ghi nhận thêm phí nhượng quyền 12% doanh thu của Nhà ga quốc tế Cam Ranh.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019, ACV phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn tăng trưởng cao 2013-2016.
Theo BVSC, sự tăng trưởng lượt khách nội địa chậm lại do một số nguyên nhân: Thứ nhất, giá vé tăng do giá xăng tăng và giá dịch vụ cảng hàng không tăng, làm giảm khả năng bay của những người thu nhập thấp.
Thứ hai, hãng hàng không giá rẻ Vietjet xoay trục từ phát triển các đường bay nội địa sang các đường bay quốc tế, nên cắt giảm mạnh các chương trình khuyến mại ở các chặng bay trong nước.
Thứ ba, sân bay Tân Sơn Nhất đang hoạt động cao hơn nhiều so với công suất thiết kế, dẫn tới khó xin tăng slot chuyến bay tại sân bay này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, giá cổ phiếu ACV tăng 1,6% lên mức 76.200đ/cp |
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế tiếp tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2019. Xu hướng sụt giảm này được dự báo sẽ tiếp diễn và ghi nhận tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 13,4%. Sở dĩ tăng trưởng lượt khách quốc tế chậm lại do Nhà nước tăng cường quản lý các tour du lịch 0 đồng và tình hình kinh tế suy giảm ở Trung quốc làm cho tốc độ tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam giảm mạnh.
Ngoài ra, tài sản tại khu hoạt động bay vẫn thuộc về Nhà nước sau khi cổ phần hóa ACV dẫn tới doanh nghiệp này không thực hiện được các công tác duy tu bảo dưỡng cần thiết, khiến các đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp.
Mặc dù vậy, BVSC dự báo trong năm 2019 ACV sẽ ghi nhận 17.912 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,3% và 7.152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, mức P/E 2019 và EV/EBITDA 2019 của ACV dự kiến lần lượt là 24,5 lần và 12 lần.
Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Nhà nước đưa ACV trở lại là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo đó, nếu đưa ACV trở lại là DNNN, thì cổ đông Nhà nước phải mua lại hơn 100 triệu cổ phần do các cổ đông khác nắm giữ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất nói trên của Bộ Giao thông Vận tải, cộng với đà tăng trưởng của ACV đang chững lại, sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi xem xét đầu tư cổ phiếu ACV. Theo đó, nhiều khả năng cổ phiếu ACV sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố trước khi có thông tin chính thức về việc Nhà nước có mua lại cổ phần ACV đã bán hay không?
Theo phân tích kỹ thuật, đường MA50 đang cắt xuống dưới đường MA200 và MA100 là một tín hiệu tiêu cực, trong khi MACD vẫn ở dưới đường zero và chưa phân kỳ rõ ràng. Các đường ADX, RSI, Stochastic.... cũng chưa có tín hiệu tích cực. Do đó, cổ phiếu ACV chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn hạn. Nếu vượt qua 78.000đ/cp, thì ACV có thể lên 80.000- 85.000đ/cp. Ngược lại, cổ phiếu ACV sẽ điều chỉnh xuống vùng 70.000 đồng/cp.
Theo Diễm Ngọc/Enternews.vn