Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Khi đòi nợ cổ tức là cơ hội mong manh

ĐTVN 11:20 09/10/2019

Một trong những quyền quan trọng của cổ đông là được nhận cổ tức. Nhưng nhiều trường hợp, cổ đông bị nợ cổ tức nhiều năm, thậm chí phải vất vả khởi kiện ra tòa.

Điệp khúc khất hẹn

CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico)

CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) vừa thông báo lùi thêm tới… 1 năm thời gian chi trả cổ tức năm 2016 và 2017. Theo kế hoạch mới, cổ tức năm 2016 và cổ tức đợt 1/2017 dự kiến trả vào 30/9 này nhưng phải lùi sang 31/12/2020. Cổ tức đợt 2/2017 cũng lùi một năm, cùng được trả vào cuối năm 2020. Cổ tức hai năm 2016 và 2017 xấp xỉ gần 213 tỷ đồng. Đây đã lần thứ 5 cổ đông Sudico nhận được thông báo tương tự.

Nguyên nhân tiếp tục do công ty không thu xếp được nguồn tiền sản xuất kinh doanh. Sudico cũng khẳng định nếu thu xếp được sẽ trả cho cổ đông sớm hơn dự kiến.

Theo Báo Đầu tư, Danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2017 vừa được Sudico chốt hồi giữa tháng 5/2019. Tuy nhiên, tương tự các lần xin khất cổ tức trước, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phải hủy ngày chốt quyền trên.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Sudico cũng đã thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận chi trả cổ đông phần cổ tức 113,9 tỷ đồng bằng tiền. Tổng số cổ tức phải trả ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2019 đạt gần 327 tỷ đồng.

CTCP Sông Đà 9

Đầu tư chứng khoán cho biết, tại Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Sông Đà 9, năm 2017, Công ty trả cổ tức tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Theo Điều 132, Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ.

Theo quy định, HĐQT Công ty phải lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

Công ty phải gửi thông báo về trả cổ tức cho cổ đông chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức.

Tuy nhiên, từ kỳ ĐHCĐ hồi đầu năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này đã 4 lần hoãn trả cổ tức. Lý do đều là do Công ty đang có nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh nên chưa thu xếp đủ tiền để thanh toán cho các cổ đông. Theo hứa hẹn trong văn bản gần đây nhất, Sông Đà 9 "chấm" đến tháng 5/2020 sẽ thanh toán cổ tức.

Hai "ông lớn" ngân hàng VietinBank và BIDV

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi đầu tháng 4 năm nay, cổ đông ngân hàng BIDV đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2018 là 6% bằng tiền mặt, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông được nhận 600 đồng.
Còn tại đại hội của VietinBank, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông 2 phương án, một là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% và hai là để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng BIDV đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2018 là 6% bằng tiền mặt. Vietinbank đưa ra 2 phương án, một là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% và hai là để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi năm 2019 sắp đi qua, cả hai ngân hàng vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến việc trả cổ tức trên.
Trước đó, thông tin tại Thời báo chứng khoán cho biết, năm tài chính 2017, VietinBank dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5-7%, còn con số này tại BIDV dự kiến là 7%, bằng tiền. Và cũng tương tự như năm 2018, số cổ tức năm 2017 hiện cũng vẫn đang bị “treo”.
Cổ đông uất ức đem đơn đi kiện

Tình trạng nợ cổ tức, hoãn trả cổ tức không phải hiếm. Chẳng hạn như trường hợp một doanh nghiệp thuộc họ dầu khí đã khất lần cổ tức trong suốt 2-3 năm mới trả xong.

Chưa kể, có nhiều trường hợp, công ty cố tình bớt lại cổ tức của một số cổ đông là cán bộ nhân viên để đòi đối trừ trách nhiệm. Tranh chấp như vậy kéo dài và phải ra tòa mới tạm được giải quyết.

Đơn cử như trường hợp kiện đòi cổ tức khá đình đám của ông Đồng Xuân Thép ở Hải Phòng. Ông Thép là cổ đông của CTCP Xây dựng 204, sở hữu 36.746 cổ phần. Công ty Xây dựng 204 đã nhiều lần không trả cổ tức cho ông Thép từ năm 2008 đến năm 2011.

Vì vậy, cổ đông phải khởi kiện đến tòa án. Tại các bản án đều tuyên buộc Công ty Xây dựng 204 phải hoàn trả ông Thép số tiền cổ tức của các năm trên. Nhưng các năm 2012, 2013, Công ty Xây dựng 204 tiếp tục giữ tiền cổ tức nên ông Thép lại khởi kiện.

Nguyên nhân Công ty Xây dựng 204 giữ cổ tức không trả có liên quan đến việc đối trừ công nợ với ông Thép. Công ty cho rằng, việc trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông đều tiến hành sau khi ĐHCĐ thường niên hoàn tất. Trên cơ sở đó, HĐQT đã lập danh sách cổ đông và chi trả cổ tức theo đúng trình tự pháp luật.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ các năm 2013, 2014, trước khi thanh toán cổ tức, những cổ đông là người lao động của Công ty phải đối chiếu công nợ. Vì là người lao động nên ông Thép phải đến Phòng Tài chính - Kế toán đối trừ công nợ để làm cơ sở thanh toán trước khi nhận cổ tức năm 2012, 2013.

Tòa án buộc Công ty Xây dựng 204 phải trả cổ tức cho ông Đồng Xuân Thép. Do Công ty đã khởi kiện ông Thép để đòi khoản tiền 5,8 tỷ đồng liên quan đến công nợ, nên tòa án không xét trong vụ án này.

Một trường hợp khác tương tự đã xảy ra tại CTCP Xây dựng Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ông Đào Văn T. từng là giám đốc doanh nghiệp này. Quá trình điều hành doanh nghiệp, ông T. từng ký một số hợp đồng dẫn đến các khoản nợ xấu chưa thu hồi được.

Năm 2015, Công ty chia cổ tức 18%, ông T. sở hữu 120.250 cổ phần, tiền cổ tức là hơn 205 triệu đồng. Quá trình giải quyết tại tòa án, Công ty cho biết, khi ông T. được cho thôi việc, Công ty không quy trách nhiệm về các khoản nợ mà ông T. đã ký hợp đồng. Nhưng Công ty đã giữ số tiền cổ tức để buộc ông T. phải tham gia tác động đến các đối tác còn nợ tiền.

Theo tòa án, nếu Công ty cho rằng ông Đào Văn T. khi còn là Giám đốc đã ký kết các hợp đồng kinh tế gây nên nợ xấu và có thể dẫn đến tổn thất cho doanh nghiệp, thì Công ty có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Công ty không thể lấy lý do gây tổn thất, nợ xấu để không chi trả cổ tức. Việc này trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Nhận xét về trường hợp này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nguyên đơn có 2 tư cách, vừa là cán bộ nhân viên của công ty, vừa là cổ đông. Với mỗi tư cách, đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ phát sinh độc lập với nhau.

Là cổ đông, họ có quyền nhận cổ tức, là nhân viên họ có thể phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm theo công việc. Hai bên có thể thỏa thuận để đối trừ các nghĩa vụ. Về cơ bản, doanh nghiệp không thể giữ cổ tức để buộc cổ đông phải thực hiện nghĩa vụ.

Nếu không đồng thuận thì có thể giải quyết tranh chấp tại tòa án. Trong trường hợp kiện ra tòa, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố để giải quyết trong cùng vụ án, tránh phải chờ đợi giải quyết lần lượt từng vụ kiện, tốn thời gian.

Yêu cầu phản tố phải có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn hoặc là đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.

Phạt HĐQT nếu sai hẹn cổ tức

Theo Sở GDCK TP. HCM (HOSE), thời gian qua, Sở đã nhắc nhở một số công ty chậm trả cổ tức. Khi công ty có quyết định chi trả cổ tức, Sở thường kiểm tra báo cáo tài chính để xem doanh nghiệp có nguồn thực để chi trả không. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn trên sổ sách khác nguồn chi trả trên thực tế. Vì vậy, Sở cũng đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải có chế tài với những công ty khất lần cổ tức. Có thể sang năm sẽ có quy định xử phạt DN chậm trả cổ tức.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc Phòng Quản lý và niêm yết HOSE, nếu xử phạt chậm trả cổ tức thì Hội đồng quản trị bị phạt, vì họ là người đưa ra chủ trương mà không thực hiện được. “Nhưng hiện nay chưa có quy định pháp lý nào đề cập đến việc DN chậm trả cổ tức bị phạt, hay cá nhân liên quan bị phạt”, bà Hằng cho biết.

Nếu phạt DN thì cổ đông lại là những người gánh chịu khoản tiền phạt. Cho dù thế nào thì việc treo một khoản cổ tức dẫn đến quyết định sai lầm của nhà đầu tư vào cổ phiếu là điều nên trách trong một thị trường cần sự minh bạch và kỷ luật. Xét các DN chậm trả cổ tức thời gian qua, đa số đều do gặp khó khăn về tài chính kéo dài ngoài dự đoán. Trong bối cảnh này, những người có trách nhiệm chỉ làm một biện pháp đơn giản là xin hoãn chi trả cổ tức là hết nghĩa vụ với cổ đông?

Ảnh minh họa.

Anh Dũng – một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, cho rằng việc chây ỳ, khất nợ rồi không chịu thanh toán cổ tức là tình cảnh chung của các công ty niêm yết trên sàn. Cổ đông đã phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” khi mua cổ phiếu của DN, như không thu được đồng lời nào, giá cổ phiếu từ vài chục nghìn đồng giờ tụt xuống vài nghìn, rẻ hơn cả rau muống.

“Tiền mua cổ phiếu lẽ ra đem gửi ngân hàng, mua vàng hoặc ngoại tệ còn được tiền lãi “đẻ” ra, đỡ xót ruột”, anh Dũng nói và chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong quy định trả cổ tức hiện nay. Đó là hội đồng quản trị (HĐQT) công ty chỉ ra thông báo hoãn việc trả cổ tức, mà không xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông; không công bố thông tin rõ ràng… đã đẩy cổ đông vào thế bị động, buộc phải chấp nhận. Trong khi đó, quy định hiện hành lại chưa có chế tài xử lý DN vi phạm nghĩa vụ trả cổ tức cho cổ đông. Cho nên, DN cứ “vô tư” viện đủ các lý do để trì hoãn việc trả cổ tức, chiếm dụng tiền của cổ đông.

Thay vì nhiều lần xin hoãn, lãnh đạo DN cần nêu thẳng trước ĐHCĐ về những khó khăn để xin hủy phương án trả cổ tức. Hoặc phát đi một thông điệp rõ ràng hơn về khả năng chi trả cổ tức giúp nhà đầu tư hiểu rõ tình hình tài chính của công ty, thay vì chỉ hoãn và hứa hẹn một thời hạn chi trả mới. Chính việc nhiều lần hoãn rồi hứa trả cổ tức khiến nhà đầu tư hy vọng, nắm giữ cổ phiếu để chờ cổ tức. Khi không nhận được đúng hạn, nhà đầu tư lại thấy vọng và bức xúc dồn nén.

Liên quan đến vấn đề quản trị công ty đại chúng tại Việt Nam, Nhóm công tác quản trị và minh bạch, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) vừa đưa ra đề xuất: cần áp dụng các biện pháp xử phạt với thành viên HĐQT nếu không chi trả cổ tức đúng thời hạn. Chính sách cổ tức và các thông tin về việc chi trả cổ tức trong 3 năm phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của DN tại mọi thời điểm. Biện pháp này sẽ phần nào đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, nhất là nhóm cổ đông thiểu số.

Theo MTĐT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/khi-doi-no-co-tuc-la-co-hoi-mong-manh-d62425.html

Bạn đang đọc bài viết Khi đòi nợ cổ tức là cơ hội mong manh tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán