Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang được xem là cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới. Cạnh tranh bằng cách... “đốt tiền” được xem là một trong những đặc trưng của các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay.
Cạnh tranh bằng cách "đốt tiền"
Nói đến các sàn TMĐT tại Việt Nam hiện nay, 5 cái tên thường được nhắc đến là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi. Tuy nhiên, 3 cái tên đầu chính là những sàn “đốt tiền” nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Đứng đầu về “đốt tiền” và lỗ là Lazada. Tổng cộng lỗ lũy kế của sàn này tính đến hết năm 2018 đã lên tới hơn 5.300 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là 2.150 tỉ đồng. Shopee xếp thứ hai về “đốt tiền” và lỗ, với khoản lỗ lũy kế hơn 2.700 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ năm 2018 là lớn nhất, khoảng 1.900 tỉ đồng.
Đứng đầu về “đốt tiền” và lỗ là Lazada. |
Tiki vốn là doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, thế nhưng tổng cộng lỗ lũy kế trong những năm qua cũng đã hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ của năm 2018 lên đến 760 tỉ đồng.
Đó là chưa có thống kê về những con số “đốt tiền” từ các sàn còn lại như Sendo và Adayroi. Theo một số chuyên gia, nếu cộng cả 5 sàn, con số lỗ khả năng là trên 10.000 tỉ đồng.
Có thể thấy, dù thị trường luôn sôi động, các ông lớn tỏ ra đầy “phấn khích” với thị trường gần 100 triệu dân nhưng kết quả thu được không hoàn toàn màu hồng, ngược lại, đó lại là một cuộc chiến khốc liệt, "đốt tiền" hoặc chết.
Nguyên nhân gì khiến các sàn thương mại điện tử phải chịu lỗ?
Đa phần các thương hiệu TMĐT lớn nhất tại Việt Nam như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi đều không có lãi, hoặc thậm chí là lỗ.
Trả lời cho câu hỏi "Nguyên nhân gì khiến các sàn thương mại điện tử phải chịu lỗ?", ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker đưa ra 3 lý do:
Thứ nhất, do lợi nhuận không cao. Để thu hút khách hàng, các trang TMĐT này đều đưa ra một mức khuyến mãi hấp dẫn, do vậy biên độ lợi nhuận nhìn chung chỉ từ 5 – 10%, thậm chí còn thấp hơn.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker. |
Thứ hai, cuộc đua TMĐT đang "đốt tiền" hơn công tử Bạc Liêu. Dù kết quả kinh doanh như thế nào thì các doanh nghiệp này đều phải chi những khoản rất khủng cho hệ thống vận hành, các loại chi phí quảng cáo truyền thông, tiếp thị bán hàng. Họ muốn tiết kiệm cũng không thể tiết kiệm được, bởi vì đối thủ đốt tiền thì họ cũng bắt buộc phải đốt tiền để giữ thị phần của mình.
Đầu tư vào các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam hiện nay cũng được xem là “ngồi trên lưng cọp” và chấp nhận cái bẫy không thể rút ra được. Bởi nếu muốn rút ra trong khi sàn vẫn đang thua lỗ thì giá trị các khoản đầu tư trước đó có thể trở về con số 0. Chính vì thế, buộc nhà đầu tư phải tiếp tục rót vốn vào để bảo toàn giá trị đầu tư trước đó hoặc tìm mối bán lại với giá chấp nhận được.
Thứ ba, do khách hàng ít đi và miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Trước sự phát triển như vũ bão của Bán hàng Online, của Tiếp thị liên kết, người tiêu dùng có quá nhiều kênh để lựa chọn mua hàng, chúng ta thấy rằng xu hướng mua của các shop Online, người bán hàng cá nhân đang có xu hướng tăng lên, trong khi đó xu hướng mua hàng trên các trang TMĐT như Lazada, Adayroi, Tiki đang giảm đi.
Khách hàng ít đi, lợi nhuận thấp, tiêu tiền như đốt là thực trạng của những “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT bán lẻ. Đây thực sự là một cuộc thi đấu thể lực, một cuộc cạnh tranh tiềm ẩn rủi ro ngã ngựa là kịch bản dành cho những người không đủ tiềm lực tài chính.