Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Thương mại điện tử Việt Nam: Bao giờ hết lỗ?

Hương Thơm 12:30 29/08/2019

Dù thị trường luôn sôi động,các ông lớn trên thị trường thương mại điện tử tỏ ra đầy “phấn khích” với thị trường gần 100 triệu dân nhưng kết quả thu được không hoàn toàn màu hồng.

Các "ông lớn" lỗ như thế nào?

Hiện tại, trong Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, chỉ có Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Adayroi là những cái tên “thuần Việt”. Còn lại, Lazada - trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam và Shopee (số 3) đang là hai doanh nghiệp 100% thuộc sở hữu nước ngoài.

Hiện tại, trong Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, chỉ có Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Adayroi là những cái tên “thuần Việt”.

Cũng có vốn nước ngoài lớn nhưng ở tỷ lệ “nhỏ” hơn Lazada và Shopee là Tiki.vn với số vốn nước ngoài vừa tăng lên hơn 40% sau khi nhận khoản đầu tư 44 triệu USD từ JD.com. Trong khi đó, Sendo của Tập đoàn FPT đang có 30% cổ phần trong tay các doanh nghiệp Nhật Bản và có 2 thành viên HĐQT người Nhật.

Dù thị trường luôn sôi động,các ông lớn tỏ ra đầy “phấn khích” với thị trường gần 100 triệu dân nhưng kết quả thu được không hoàn toàn màu hồng.

Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 3 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách với Lazada. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3.

Cuối tháng 2/2018, SEA, công ty mẹ tại Singapore của trang mua sắm Shopee công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017. Theo đó, đơn vị này ghi nhận mức thua lỗ lên tới 135 triệu USD. Lý do được SEA giải thích là do “chi tiêu tăng mạnh cho quảng cáo, nhằm đẩy mạnh mảng thương mại điện tử mà chủ yếu là trang mua sắm Shopee”.

Nếu như năm 2015-2016, mức lỗ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm của Lazada đã gây kinh ngạc trong ngành thì giờ đây cả Lazada và đối thủ nặng ký nhất là Shopee đều đã đẩy mặt bằng lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Thế giới di động, doanh nghiệp đang giữ ngôi “Á quân” thị trường Thương mại điện tử hiện nay, đang có kết quả kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, lợi nhuận mảng điện thoại của Thế giới di động đang giảm dần, còn mảng bách hóa (Điện máy xanh, Bách Hóa xanh, Trần Anh) tiếp tục cần được bơm tiền do vẫn lỗ. Cụ thể, trong quý đầu năm nay, chuỗi Bách Hóa Xanh đã lỗ khoảng 60 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng hiện chỉ đạt 670 triệu đồng/tháng - để hòa vốn, con số này phải là 800 triệu đồng/tháng.

Tiki.vn, doanh nghiệp TMĐT đứng thứ 4 thị trường hiện nay dù đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhưng …. cũng lỗ. Dù mở rộng đơn hàng lên gấp 3-4 lần, tăng từ 100.000 mặt hàng lên 300.000 mặt hàng nhưng Tiki vẫn lỗ lũy kế khoảng 282 tỷ đồng.

Tại sao lỗ vẫn tiếp tục đầu tư

Trả lời cho câu hỏi tại sao dù lỗ rất nhiều, nhưng các ông lớn vẫn tiếp tục rót vốn vào các sàn thương mại điện tử Việt Nam, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker cho biết:

Thứ nhất, các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada không phải là bài toán kinh doanh thông thường, mà là bài toán về tài chính. Kết quả kinh doanh có thể không được tốt nhưng nếu bán được cổ phiếu, giá cổ phiếu tăng họ còn kiếm được nhiều tiền hơn.

Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker.

Thứ hai, tài sản giá trị nhất của các trang này là hệ thống, đặc biệt là mạng lưới bán hàng và tập khách hàng. Chúng ta có thể thấy rằng hệ thống của Tiki hay Lazada có thể từ hàng triệu đến chục triệu user, đây chính là tài nguyên giá trị của họ.

Ví dụ như Alibaba sử dụng Lazada để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam. Họ có những nguồn lợi nhuận khác để phân bổ để bù lỗ cho hoạt động của Lazada, dĩ nhiên họ chấp nhận lỗ quan trọng là chiến lược tổng thể của họ thành công. Hãy để ý đến mục đích thâu tóm hay đầu tư vào kênh TMĐT của các đại gia.

Ví dụ như Vin Group họ phát triển Adayroi không hề quan tâm đến lợi nhuận từ việc bán hàng, mà mục tiêu của họ là hoàn thiện hệ sinh thái của mình, là kênh chiến lược kết hợp với Vin Mart+ để tiêu thụ các sản phẩm độc quyền của Vin, cũng như gia tăng giá trị cho Vin ID…

Thứ ba, giá trị khác biệt của các sàn TMĐT lớn thể hiện rất rõ ràng để tạo xu hướng người dùng, khảo sát hành vi người dùng. Chúng ta có thể thấy rõ trong ví dụ cụ thể, chỉ với 2 giờ đầu sau mở bán đã có 10.000 máy Galaxy M10 được đặt mua. Những con số ấn tượng đã giúp Galaxy M10 phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay của Samsung trên Lazada cũng như toàn thị trường TMĐT.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-bao-gio-het-lo-d101874.html

Bạn đang đọc bài viết Thương mại điện tử Việt Nam: Bao giờ hết lỗ? tại chuyên mục Thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]