Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Nguyên nhân ngân hàng vẫn lãi lớn dù nợ xấu tăng mạnh vì đâu?

DTVN 11:10 27/10/2020

Mặc dù nợ xấu có xu hướng tăng song đa số nhà băng vẫn đang kiểm soát tốt theo quy định. Theo NHNN, tính đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NH được duy trì ở mức dưới 2%

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh

Thống kê của chúng tôi tại 16 ngân hàng đã công bố BCTC Hợp nhất quý 3/2020 cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ, tăng gần 12.000 tỷ so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%.

Chỉ có 2/16 ngân hàng có nợ xấu giảm là SeABank và NCB. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với đầu năm; giúp tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) giảm từ 1,93% xuống còn 1,8%. Còn tại SeABank, nợ xấu cuối tháng 9 là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ so với đầu năm; đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống mức 2,23%.

Trong khi đó, 14 ngân hàng còn lại đều có nợ xấu tăng, với nhiều nhà băng tăng hơn 50% trong 9 tháng. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, VPBank, ACB đều có nợ xấu tăng.

Nợ xấu nội bảng của ACB tại ngày 30/9/2020 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.

Nợ xấu của Vietcombank trong 9 tháng cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36% lên 7.885 tỷ. Trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng từ mức 0,79% cuối năm 2019 tăng lên 1,01%.

Hay tại Sacombank, nợ xấu nội bảng tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.

Tại VPBank hợp nhất (bao gồm cả công ty con), nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức 10.147 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,42% lên 3,65%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 5.690 tỷ đồng, chiếm 2,71% trong tổng dư nợ cho vay, tăng nhẹ so với mức 2,69% hồi đầu năm. Nếu tính trên tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ VPBank chỉ khoảng 2,1%.

Nợ xấu MBBank hợp nhất cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 4.036 tỷ; khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%.

Nhiều ngân hàng nhỏ, quy mô tầm trung cũng có nợ xấu tăng mạnh. Trong đó trường hợp đặc biệt là Kienlongbank với nợ xấu tăng gấp 6,5 lần so với đầu năm lên 2.241 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,02% lên 6,63%. Nguyên nhân là đầu năm 2020 ngân hàng phải ghi nhận gần 1.900 tỷ đồng dư nợ của một nhóm khách hàng được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Các khoản vay này được đảm bảo bằng 176 triệu cổ phiếu STB và ngân hàng đang cố gắng bán được số cổ phiếu này để đưa tỷ lệ nợ xấu quay trở lại mức thấp.

Một ngân hàng nhỏ khác có nợ xấu cũng tăng mạnh là VietBank, tăng 61% lên 867 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,32% lên 2,03%.

Hay tại TPBank, nợ xấu tăng 59% lên 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu MSB tăng 31% lên 1.703 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay.

Vì sao ngân hàng vẫn lãi lớn?

Như VnEconomy đã đưa tin, tính đến thời điểm cuối quý 3/2020, nhiều ngân hàng đã cán đích lợi nhuận do đặt kế hoạch năm rất thận trọng. Tuy nhiên, khi được so với cùng kỳ năm trước chỉ tiêu này vẫn có mức tăng trưởng đáng kể.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 2 chữ số có với cùng kỳ gồm có ACB tăng 15,3%; VPBank tăng 30,5%; NCB tăng 20,1%; VIB tăng 38,1%; TPB tăng 25,7%; MSB tăng 56,6%; SeaBank tăng 65,8%. Các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn gồm MBBank tăng 6,8%; LienVietPostBank tăng 6,4%; ABBank tăng 6,4%. Mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 18 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính khoảng 10%.

Số nợ xấu tăng lên nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại cũng công bố lãi tăng. Thông thường, trong trường hợp này người ta sẽ nghĩ đến khoản mục “lãi dự thu” hoặc “chi phí dự phòng rủi ro”.

Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận.

Trong kỳ này, khoản “lãi dự thu” không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Như vậy, các ngân hàng lãi lớn chủ yếu do chưa mạnh tay trích lập dự phòng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả khả quan là nhờ cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không quá phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nguyen-nhan-ngan-hang-van-lai-lon-du-no-xau-tang-manh-vi-dau-d84229.html

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân ngân hàng vẫn lãi lớn dù nợ xấu tăng mạnh vì đâu? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng