Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, tính đến 30/9/2019, tiền gửi khách hàng của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; UPCOM: LPB) đạt 132.996 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 134.742 tỷ đồng, tăng tương ứng 6% và 12% so với cuối 2018.
Kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác mang về lãi thuần cho ngân hàng lần lượt là 11,7 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 22 tỷ đồng.
Lãi trước trích lập dự phòng rủi ro chỉ tăng 17% lên 643 tỷ đồng, một phần do chi phí hoạt động trong kỳ tăng 28%. Tuy nhiên, nhờ chi phí dự phòng giảm gần 40%, nên lãi sau thuế của LienVietPostBank tăng 48% lên 413 tỷ đồng. Như vậy 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018, và lãi sau thuế đạt 1.311 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB đang giao dịch dưới mệnh giá |
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,47%, tăng 7 điểm cơ bản, chủ yếu do nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 500 tỷ đồng.
Nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó nổi cộm nhất là vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các Bộ, ngành và địa phương.
Thậm chí tại một số địa phương, các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ trong việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng.
LienVietPostBank ghi nhận tổng tài sản tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 500 tỷ đồng - Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu như thu giữ, bán đấu giá, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản và nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm...
Nhìn từ LienVietPostBank và các ngân hàng nhỏ khác, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu tăng chủ yếu do các ngân hàng này đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các hộ gia đình và cá nhân.
Dù các ngân hàng này đã tích cực trích lập dự phòng và xóa các khoản nợ xấu cũ, nhưng các khoản nợ xấu mới đang hình thành, khiến cho tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.
Theo thông tin trên VTC News, cổ phiếu LienVietPostBank lên sàn tháng 10/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng. Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu này luôn giao dịch dưới mệnh giá, thanh khoản cũng không cao.
Theo thống kê của Vietstock, từ đầu năm (1/1/2019 – 6/9/2019) mã LPB trải qua 169 ngày giao dịch, biến động giá giảm 21,05%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 2.000 đồng. Vốn hóa thị trường LPB mất tương ứng 1.776,2 tỷ đồng. Hiện ghi nhận mức hơn 6.661 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới về LienVietPostBank, mã LPB, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (VnDirect) cho biết, mã LPB giảm sức hấp dẫn do hoạt động công bố thông tin chưa hiệu quả và mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với việc thực hiện chiến lược chưa cao.
Đáng chú ý, kế hoạch chuyển sàn sang HoSE (Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM) của LPB kéo dài với tiến độ chậm và đợt phát hành quyền mua năm 2018 không thật sự thành công.
VnDirect cho rằng, dù nợ xấu có xu hướng tăng lên do các ngân hàng mở rộng cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn sẽ ở trong tầm kiểm soát và được giữ dưới 3% trong năm 2019 – 2020.
Do đó, cổ phiếu LPB hiện được định giá thấp hơn 46% so với ngành, và các yếu tố tiêu cực đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu này. Tính đến phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu LPB đang giao dịch dưới mệnh giá còn 7.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch rất èo uột, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.
Thu Hà/SHTT