Trước đó theo báo cáo đã trình bày, năm 2018 LienVietPostBank cơ bản hoàn thành các mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra. Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 175.095 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 10.201 tỷ đồng, tổng huy động vốn tại thị trường I đạt 138.229 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 120.972 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.213 tỷ đồng.
Thông tin trên Thời báo chứng khoán, LienVietPostBank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2018, đưa vốn điều lệ từ gần 7.500 tỷ đồng lên hơn 8.881 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2018 từ lợi nhuận sau thuế và cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ năm 2019 của Ngân hàng lên gần 9.770 tỷ đồng.
10 năm qua, LienVietPostBank đã chia cổ tức cho cổ đông gần 105% (trong đó trên 90% bằng tiền mặt) và quyết định mức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2018 là 10%.
Chiến lược phát triển lâu dài của LienVietPostBank trở thành “Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam"
ĐHCĐ LienVietPostBank cũng thông qua mục tiêu tổng tài sản năm 2019 đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường I đạt 165.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng, đồng thời sẽ phát triển và khai thác hiệu quả mạng lưới, phủ kín đến các quận huyện trên toàn quốc.
ĐHCĐ của LienVietPostBank cũng thông qua các tờ trình liên quan thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2019, tờ trình chuyển giao dịch cổ phiếu LPB từ hệ thống giao dịch UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), tờ trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Điều lệ, Quy chế… của ngân hàng.
Theo các báo cáo, năm 2018, các hoạt động chính của Ngân hàng có tăng trưởng so với năm 2017, đặc biệt thu từ hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ tình hình chung của thị trường chứng khoán, thu nhập hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của LienVietPostBank giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của LienVietPostBank tăng so với năm 2017 do Ngân hàng phát triển hệ thống mạng lưới mới theo cấp phép của Ngân hàng Nhà nước làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý.
Song song với mở rộng mạng lưới, LienVietPostBank còn tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, nâng cao năng suất lao động, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lự nhằm mục tiêu phát triển mạnh kinh doanh hiệu quả, an toàn hơn trong các năm tới. Đây là chiến lược phát triển lâu dài của LienVietPostBank trở thành “Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam – Ngân hàng của mọi người”, cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới nhiều đối tượng khách hàng, tận dụng thế mạnh về mạng lưới Chi nhánh, Phòng Giao dịch phủ khắp 63 tỉnh, thành.
Công tác huy động vốn của LienVietPostBank cũng được đánh giá tăng trưởng tốt theo định hướng bán lẻ trong năm 2018 so với 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ hơn 40% lên hơn 50%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận Ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.
Cổ phiếu LienVietPostBank không có sức hấp dẫn
Những thông tin trên dường như vẫn chưa thực sự tạo sức bật cho cổ phiếu LPB. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6, LPB đứng ở giá 7.900 đ/CP, KLGD đạt. Vào thời điểm 7/6/2018, LPB có giá 12.200đ/CP. Trong 2 năm gần đây, cổ phiếu LPB giao động ở mức trên dưới 10.000đ/CP.
Tại phiên giao dịch chiều hôm nay ngày 16/10, cổ phiếu LPB đứng ở giá 7.500 đ/CP.
Từ sau khi lên sàn, LPB cũng lọt top những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tốt nhất khi trung bình mỗi phiên giao dịch đều có vài triệu cổ phiếu LPB được giao dịch. Thanh khoản vẫn được duy trì ổn định, nhưng LPB lại tỏ ra không hấp dẫn với chính lãnh đạo ngân hàng này.