Thiếu hụt nguồn tiền lớn từ Vietcombank và BIDV
Thực hiện chính sách mới của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước sẽ phải kết chuyển về tài khoản tổng để tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại tại các ngân hàng thương mại như trước.
Trên báo cáo tài chính của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã giảm đáng kể.
Vietcombank và BIDV là 2 trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước, nhóm thường xuyên và chủ yếu có nguồn tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước từ trước đến nay.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III/2019 của Vietcombank cho thấy, quy mô tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại đây đã giảm từ mức hơn 87.095 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỷ đồng tại 30/9/2019.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có chi phí thấp với lãi suất chỉ 0,2%/năm) sụt giảm rất mạnh, từ 31.095 tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi) cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỷ đồng tại 30/9/2019.
Tương tự, tại BIDV, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước chỉ giảm nhẹ từ 69.896 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 67.892 tỷ đồng tại 30/9/2019, nhưng đặc biệt giảm mạnh ở tiền gửi thanh toán từ 18.896 tỷ đồng cuối 2018 xuống chỉ còn 4.642 tỷ đồng.
Ngoài ra tại BIDV kỳ báo cáo này còn ghi nhận nguồn tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm mạnh, từ hơn 24.163 tỷ đồng cuối 2018 xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ báo cáo trên, tại cả Vietcombank và BIDV, nguồn tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước ở loại tiền gửi không kỳ hạn có chi phí huy động thấp nhất đều cùng giảm rất mạnh, số dư còn lại ở mức thấp. Diễn biến này có thể cũng có tại VietinBank và Agribank trong báo cáo tài chính công bố tới đây, theo bizlive.
Nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước gia tăng
Việc sụt giảm nguồn tiền lớn nói trên tại Vietcombank và BIDV có thể là những diễn biến theo lộ trình thực hiện chính sách, tránh hụt nguồn đột ngột và dồn vào một thời điểm.
Nhưng ngược lại, báo cáo tài chính các ngân hàng trên ghi nhận rõ sự gia tăng nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể, tại BIDV, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đã tăng lên từ 51.000 tỷ cuối 2018 lên 63.250 tỷ đồng vào 30/9/2019; tại Vietcombank, tương ứng tăng từ 56.000 tỷ lên 69.250 tỷ đồng.
Như vậy, dù hụt mạnh nguồn tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước nhưng tại BIDV và Vietcombank được “bù lại” một phần gia tăng nguồn tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng lớn này. Thay đổi chung nhất, bên cạnh yếu tố nguồn, là chi phí huy động ở đây theo đó sẽ gia tăng đáng kể.
Được biết, cũng trong tuần qua, Vietcombank công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận trước thuế lên đến 6.309 tỷ đồng, tăng tới 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận quý này thậm chí lớn hơn đa phần lợi nhuận cả năm của các ngân hàng cỡ trung.
Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 17.612 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tiếp tục duy trì mặt bằng lợi nhuận trên trong quý IV, ngân hàng này nhiều khả năng sẽ cán mốc lợi nhuận tỷ USD cho cả năm 2019, theo vietnamfinance.
Còn BIDV, theo thông tin từ daibieunhandan, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 với mức tiết giảm chi phí hoạt động lên tới 500 tỷ đồng giúp lợi nhuận thuần 9 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận trước thuế lũy kế đến hết Quý III ghi nhận ở mức 7.028 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu BID đang có xu hướng tăng đều. Chốt phiên giao dịch ngày 25.10, thị giá dừng ở mức 40.200 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ đầu quý III đến nay, mã này đã tăng giá hơn 28%. Vốn hóa thị trường theo đó vào khoảng 137.774 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 25.10, BIDV đã có thông báo về việc chi trả cổ tức, theo đó tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 và 2018 là 14% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 1.400 đồng); ngày chốt danh sách cổ đông là 8.11, ngày thanh toán là 12.12.
H.T (t/h)