Không dừng lại ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV hay MB, làn sóng bán vốn cho đối tác ngoại gần đây đã lan đến các ngân hàng top dưới như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
OCB sẽ nhận được 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu
Theo đó, OCB hiện đang lấy ý kiến cổ đông về việc bán vốn cho đối tác Nhật Bản là ngân hàng Aozora.
Dự kiến OCB sẽ phát hành riêng lẻ 86,8 triệu cổ phần cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản. Nếu bán thành công, Aozora sẽ sở hữu 9,91% vốn điều lệ của OCB.
Được biết, lượng cổ phần trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. Nếu đại hội cổ đông thông qua, HĐQT OCB sẽ được phép quyết định giá chào bán cụ thể.
Hiện nay, giá cổ phiếu OCB được thoả thuận trên thị trường phi tập trung (OTC) dao động vào khoảng 14.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chiếu theo giá này, ngân hàng Aozora sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.200 tỷ đồng để sở hữu 86,8 triệu cổ phần của OCB.
Lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt tới hơn 3.200 tỷ đồng, tăng hơn 45%
Nhìn lại những năm gần đây, có hai thành tựu không thể không kể đến tại OCB: sạch nợ sớm tại VAMC và tăng trưởng lợi nhuận cực nhanh.
Tính toán của VietnamFinance cho thấy, năm 2015, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ chưa dự phòng tại VAMC) của OCB là 5,65% cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất thấp, chỉ vỏn vẹn 15%.
Tuy nhiên một năm sau đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh xuống 3,09%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên 27% - dù vẫn là mức thấp nhưng rất đáng khích lệ.
Sang năm 2017, tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước, đạt 2,62%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng nhẹ lên 32%.
Năm 2018, OCB chính thức tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC và trở thành một trong những ngân hàng sạch nợ VAMC sớm nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu lúc này ở mức 2,29% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tiến đến ngưỡng trung bình, đạt 44%.
Tuy nhiên, 9 tháng năm 2019, tình hình có vẻ bớt tích cực khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,62%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ xuống 41%.
Diễn biến tương tự như nợ xấu, kết quả kinh doanh của OCB cũng ngày càng tốt lên trong giai đoạn 2016 - 2018 nhưng bỗng chững lại đáng ngạc nhiên trong 9 tháng năm 2019, dù vậy, công bố mới nhất về kết quả kinh doanh cả năm 2019 từ OCB lại ghi nhận sự "đảo chiều" ngoạn mục.
Cụ thể, tính toán của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2016 - 2018, lợi nhuận trước thuế của OCB đã tăng bình quân 103%/năm, nghĩa cứ cứ mỗi năm lại tăng gấp đôi.
Đà tăng trưởng ngoạn mục này được dẫn dắt chủ yếu bởi mảng tín dụng với thu nhập lãi thuần tăng bình quân 37%/năm. Cùng với đó, tỷ trọng chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) có xu hướng giảm, đồng thời, áp lực trích lập dự phòng cũng thấp hơn nhiều các năm trước.
9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế của OCB bất ngờ chỉ tăng vỏn vẹn 5% so với cùng kỳ năm trước đó. Tăng trưởng lợi nhuận thuần cũng chỉ 8%, tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 17%. CIR gia tăng, trong khi tăng trưởng thu nhập lãi thuần giảm xuống mức 20%, bằng chưa đầy một nửa năm 2018.
Cùng với đó, như đã đề cập, nợ xấu của OCB cũng tăng trong 9 tháng năm 2019, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ.
Những dẫn chứng trên phản ánh rằng sự chững lại trong tăng trưởng lợi nhuận của OCB xuất phát từ sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng.
Tuy nhiên, rất bất ngờ là theo thông tin từ OCB, lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt tới hơn 3.200 tỷ đồng, nghĩa là tăng tới trên 45% so với năm 2018.
Như vậy, đã có sự thay đổi ngoạn mục trong kết quả kinh doanh quý IV/2019 của OCB. Tính toán cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 của OCB đã tăng gấp 3,5 lần con số cùng kỳ năm 2018.
Sự tăng trưởng ngoạn mục này liệu có bền vững hay không còn phải chờ xem xét chi tiết trong báo cáo tài chính quý IV/2019 - hiện chưa đến ngày công bố. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên đó xuất hiện ngay trước thềm OCB bán vốn cho đối tác ngoại.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ