Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì sao các ngân hàng SeABank, OCB, VIB đồng loạt tăng vốn điều lệ?

Theo ANTT 14:26 15/10/2019

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại trong nước.

SeABank, OCB, VIB đồng loạt tăng vốn điều lệ

Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 9 vừa qua, theo dantri, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong kế hoạch phát triển của SeABank đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 nhằm hướng tới mục tiêu đưa ngân hàng trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.

Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại trong nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ của 2 ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Theo đó, vốn điều lệ của VIB hiện nay là 9.245 tỷ đồng, thay vì mức 7.834 tỷ đồng như trước đó. Ngân hàng đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng. Trước đó, cuối quý 2/2019, vốn điều lệ của OCB là 6.599 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ của nhà băng này được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Vì sao các ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ?

Theo vietnamdaily, việc các ngân hàng SeABank, VIB, OCB đồng loạt tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Basel II.
Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến muộn nhất đến năm 2020 cơ bản các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II. Trong đó, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã đạt trên 9% nhưng nếu tính theo cách mới quy định tại Thông tư 41 thì con số này chỉ là 6-7%, tiêu chuẩn các ngân hàng phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%.
Chính vì vậy, các ngân hàng trong hệ thống hiện nay đều phải tăng vốn điều lệ từ nay đến cuối năm.

Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2019, tổng vốn điều lệ của 35 ngân hàng thương mại Việt đạt hơn 419.000 tỷ đồng. Ở top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất,

Hiện vốn điều lệ của VietinBank là 37.234 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống. Theo sau lần lượt là Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank với vốn điều lệ cuối tháng 6/2019 tương ứng 37.089 tỷ đồng, 34.966 tỷ đồng, 34.187 tỷ đồng và 30.496 tỷ.

Trong 5 năm gần đây, Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng được tăng vốn nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank tăng hơn 10.400 tỷ (tương đương tăng hơn 39%); còn Techcombank tăng tới gần 4 lần trong 5 năm qua.

Với nhiều ngân hàng, đây là năm cuối cùng kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu được đề ra từ cách đây 5 năm. Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 4/2019 đã lên tới 11,21 triệu tỷ đồng. Con số này so với cách đây 10 năm ước tính đã tăng hơn 4 lần.

Còn theo thống kê chưa đẩy đủ tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của 29 ngân hàng thương mại (chưa kể 3 ngân hàng "0 đồng" và DongABank, PVcombank, BaoVietBank) đạt hơn 9,6 triệu tỷ đồng.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-cac-ngan-hang-seabank-ocb-vib-dong-loat-tang-von-dieu-le-d62505.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao các ngân hàng SeABank, OCB, VIB đồng loạt tăng vốn điều lệ? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng