Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Ngân hàng tăng vốn vào giai đoạn nước rút

DTVN 09:23 15/10/2019

Tình hình kinh doanh khởi sắc, ngân hàng dễ dàng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư. Thời gian qua, một số nhà băng đã chào bán thành công cổ phiếu hoàn thành kế hoạch nâng vốn điều lệ.

Không quá khó để nhận ra sức ép về việc các ngân hàng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Thời điểm áp dụng quy định theo chuẩn Basel II đang đến gần. Trước mắt là đến đầu năm 2020, 10 ngân hàng đang triển khai thí điểm phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Bắt buộc tăng vốn

Một trong những điều kiện để đáp ứng chuẩn Basel II là ngân hàng phải tuân thủ một số quy định về tỷ lệ giới hạn an toàn vốn. Chẳng hạn như cấp tín dụng có quy định, ngân hàng cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu. Nếu muốn mở rộng tín dụng cho khách hàng này thì đương nhiên ngân hàng phải tăng vốn.

Hai năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành, theo đó “room” tín dụng cho các ngân hàng cũng bị giảm theo. Điều đó dẫn đến việc một số ngân hàng mới “đi qua” nửa năm tài chính đã gần “cạn room”. Vì thế, muốn tăng trưởng tín dụng cao, chắc chắn ngân hàng phải bổ sung vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Nếu không tăng cường kịp thời, vòng quay vốn không theo đúng nhịp, ngân hàng đó rất có thể rơi vào tình trạng âm vốn.

Hoạt động kinh doanh ngân hàng dù đã tích cực hơn nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định, nên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, vì vậy không dễ bán cổ phần để gọi vốn mới.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019, kế hoạch mà hầu hết các ngân hàng đưa ra có 2 hình thức phổ biến để tăng vốn điều lệ: trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Bản chất của việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là ngân hàng hiện thực hóa việc giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn. Đối với cổ đông hiện hữu, việc phát hành thêm cổ phiếu cũng dễ dàng hơn thay vì kêu gọi cổ đông mới. Quan trọng hơn, với cách làm này, ngân hàng có nguồn lực sẵn có bổ sung vốn ngay, không bị ảnh hưởng bởi giá cả của cổ phiếu trên thị trường.

Theo dõi thị trường thời gian qua có thể thấy, một số ngân hàng có tiềm lực vốn lớn như VietinBank, BIDV, ACB, VPBank, MB, OCB, Techcombank… chủ yếu tăng vốn điều lệ thông qua chia thưởng cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Ngoại trừ trường hợp của BIDV, sau nhiều lần trì hoãn, vừa chốt phát hành hơn 603,3 triệu cổ phiếu (ứng với 15% vốn điều lệ ngân hàng) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank, dự kiến thu về gần 20.300 tỷ đồng.

Ngân hàng tăng vốn vào giai đoạn nước rút (Ảnh minh họa).

Đồng loạt tăng vốn thành công

Thực tế, 9 tháng đầu năm nay, thị trường chứng kiến hoạt động phát hành dày và quy mô lớn, với nhiều trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Trong đó, nhiều trường hợp với nhu cầu cải thiện vốn cấp 2 để tăng hệ số an toàn vốn.

Hình thức gọi vốn này đã mang lại kết quả khả quan cho ngân hàng. Điển hình mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ cho 3 ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, vốn điều lệ của VIB được điều chỉnh lên 9.245 tỷ đồng từ mức 7.834 tỷ đồng.

Trước đó, VIB đã phát hành thành công hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng từ 6.599 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của nhà băng này được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%, tương ứng với số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã thông báo hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng sau khi chào bán 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo các chuyên gia, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là hướng đi đúng, phù hợp và ngân hàng đã áp dụng thành công trong đợt tăng vốn vừa qua.

Thực tế, với những ngân hàng đã lên sàn sẽ gia tăng tính minh bạch, giúp các ngân hàng gọi vốn dễ dàng hơn. Đó cũng là lý do các ngân hàng này thường chia làm 2 đợt tăng vốn. Đợt 1 luôn ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu đợt 1 không thành công thì ngân hàng thực hiện thêm đợt 2 phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tính minh bạch cũng thách thức cho ngân hàng trong ngắn hạn vì rõ ràng số lượng thông tin mà ngân hàng phải công bố, mức độ tuân thủ cao hơn.

“Dẫu vậy, nếu ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt, chắc chắn huy động vốn dễ dàng. Song nó sẽ tạo khó khăn cho những ngân hàng có kết quả kinh doanh chưa tốt khi lên sàn”, một chuyên gia khẳng định.

Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng tăng vốn vào giai đoạn nước rút tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng