Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Giấu nợ xấu khủng tại VAMC, VietinBank vẫn công bố lợi nhuận đẹp như tranh

Mai Hương 09:41 09/01/2020

Thời gian qua, Vietinbank đã phải xử lý nợ xấu khẩn cấp, trong đó, chọn bán nợ xấu sang VAMC như một biện pháp tình thế để "dọn dẹp" nhanh nợ trên sổ sách.

VietinBank công bố lợi nhuận đẹp như tranh

Chiều 7/1 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) bất ngờ công bố lợi nhuận riêng lẻ đạt tới 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 83% so với kế hoạch và so với năm 2018.

Ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, năm 2019, tăng trưởng tín dụng 7,2% so với cuối 2018; thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 43% so với năm 2018, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động.

Về nợ xấu, số liệu tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 120%, tăng mạnh so với 93% của năm 2018.

Doanh số kinh doanh ngoại hối đứng đầu trên thị trường, cụ thể: so với với cuối năm 2018, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 120%, thu nhập từ kinh doanh chứng khoán tăng 70%, tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Chung tình cảnh như 4 ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn, VietinBank đang đối mặt với tình trạng tăng vốn điều lệ để đáp ứng các chuẩn mực Basel II tại các thông tư 41. VietinBank cũng là ngân hàng duy nhất vẫn đang tìm lời giải cho bài toán tăng vốn.

Khác so với các ngân hàng khác, dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.

Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay. Nguồn tăng vốn từ lợi nhuận để lại hàng năm chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu vốn cần thiết của VietinBank.

Trong bối cảnh việc tăng vốn đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, việc công bố lợi nhuận được xem là tín hiệu tích cực từ phía VietinBank.

Vietinbank bán lượng nợ xấu 'khủng' cho VAMC

Đến thời điểm này, Vietinbank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 và cả năm để cổ đông, nhà đầu tư có thể tiếp cận số liệu chính xác về tình hình kinh doanh, tài chính của "ông lớn" ngân hàng này.

Mới đây nhất, Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà VietinBank công bố ghi nhận dư nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng này cũng tiếp tục tăng thêm 1.483,3 tỉ đồng so với con số được cập nhật trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, lên mức 8.831 tỉ đồng.

Theo đó, so với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 là 14.065,7 tỉ đồng, dư nợ có khả năng mất vốn tại VietinBank tại thời điểm ngày chốt báo cáo là 30.9.2019 vẫn chiếm đến 62,7%.

Có thể thấy chưa đầy 2 năm, Vietinbank đã phát sinh thêm tới hơn 6.000 tỉ đồng nợ xấu và có tới 8.800 tỉ đồng nợ xấu có nguy cơ mất vốn (tính đến cuối quý 3/2019).

Thế nhưng con số 14.065 tỉ đồng nợ xấu vẫn chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng tín dụng của Vietinbank. Thời gian qua, Vietinbank đã phải xử lý nợ xấu khẩn cấp, trong đó, chọn bán nợ xấu sang VAMC như một biện pháp tình thế để "dọn dẹp" nhanh nợ trên sổ sách. Các báo cáo tài chính cho thấy, một khối nợ xấu rất lớn của Vietinbank vẫn đang nằm chủ yếu ở Công ty VAMC thông qua nghiệp vụ bán nợ, nhận lại bằng trái phiếu VAMC trong suốt nhiều năm qua chưa xử lý được. Đây cũng là lý do vì sao ngân hàng này đều đặn trích lập dự phòng rủi ro.

Điều đáng lo ngại là nhóm nợ “xấu nhất” của VietinBank được Ngân hàng Nhà nước phân loại là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn luôn chiếm con số lớn nhất và lấn át hai nhóm nợ còn lại có rủi ro thấp hơn là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Theo quy định tại Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có và mức trích lập dự phòng rủi ro, với nhóm nợ có khả năng mất vốn này, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro với tỉ lệ trích lập dự phòng cao nhất là 100%.

Đến cuối quý 2/2019 Vietinbank đã ghi nhận số trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước lên tới 40.159 tỉ đồng, với tổng số dự phòng chỉ hơn 552 tỉ đồng. Chưa rõ khi ngân hàng này có thể tất toán được khối nợ xấu lên tới hàng tỉ USD đem "gửi" ở nơi khác này?

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được VietinBank báo cáo có giảm (Cụ thể, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 120%, tăng mạnh so với 93% của năm 2018), tuy nhiên, nợ bán cho VAMC còn lớn, Thống đốc giao nhiệm vụ, năm 2020 VietinBank phải giảm ít nhất 30% nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC.

Nhìn rõ thực trạng kinh doanh, cho vay gây nợ xấu lớn của Vietinbank dẫn tới quy mô nợ xấu tăng quá nhanh, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhắc nhở VietinBank cần phải nhanh chóng thoái các khoản đầu tư ngoài ngành chưa thực hiện được trong năm qua, tập trung hạn chế lĩnh tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Câu chuyện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước là vấn đề nóng khiến giới tài chính ngân hàng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, với tình hình nợ xấu "phình to", kiểm soát cho vay ở lĩnh vực rủi ro đang là một trong những "điểm đen" cần quan tâm khắc phục, thì câu chuyện làm thế nào để đủ cơ sở tăng vốn sẽ còn đặt ra rất nhiều thử thách với VietinBank trong tình hình hiện nay.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/giau-no-xau-khung-tai-vamc-vietinbank-van-cong-bo-loi-nhuan-dep-nhu-tranh-d68624.html

Bạn đang đọc bài viết Giấu nợ xấu khủng tại VAMC, VietinBank vẫn công bố lợi nhuận đẹp như tranh tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng