Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Techcombank, VPBank, Vietinbank ôm trái phiếu doanh nghiệp có tiềm ẩn rủi ro gì?

DTVN 12:41 03/01/2020

Techcombank, BIDV, VietinBank, SHB, MBBank, VPBank… là nhóm nhà băng đang ôm nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất.

Theo thống kê, có hàng chục DN thuộc lĩnh vực bất động sản liên tục phát hành trái phiếu , lãi suất từ 10-14,5%/năm với giá trị lên đến gần 30.000 tỷ đồng. Có nhiều DN phát hành trái phiếu từ 2-3 đợt, để huy động vốn, đợt thấp nhất cũng gần 100 tỷ đồng, đợt cao lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Thông qua báo cáo tài chính của các ngân hàng thì Techcombank, BIDV, VietinBank, SHB, MBBank, VPBank… là nhóm nhà băng đang ôm nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank. Là ngân hàng hiện nay đang ôm nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Mới đây NHNN nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN

Đứng đầu trong danh sách này là Techcombank. Chỉ tính đến cuối tháng 6/2019, tổng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ là hơn 59.000 tỉ đồng. Trong đó, số cổ nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành sẵn sàng bán cho Techcombank là hơn 45.000 tỉ, phần còn lại là chứng khoán nợ đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.

Đáng chú ý, so với cùng kì năm ngoái, số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành sẵn sàng bán cho Techcombank tăng 7.000 tỉ, tương ứng mức tăng 18%. Trong cơ cấu tổng dư nợ tín dụng của Techcombank, trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm xấp xỉ 25% về giá trị tuyệt đối.

Không chỉ dẫn đầu về số lượng trái phiếu doanh nghiệp đang sở hữu, thời gian qua, Techcombank cũng là ngân hàng thuộc top đầu về tư vấn phát hành trái phiếu. Báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Techcombank cho biết đã hỗ trợ tư vấn phát hành 4,8 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp chỉ trong vài tháng.

Đứng thứ hai trong danh sách những nhà băng đang có nhiều trái phiếu doanh nghiệp sau Techcombank là BIDV. Tính đến ngày 30/6, tổng trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV đạt hơn 22.000 tỉ đồng, không nhiều biến động so với cuối năm 2018.

Tiếp đến là VietinBank với hơn 19.000 tỉ đồng, giảm 3.000 tỉ so với cuối năm ngoái. SHB cũng xuất hiện trong nhóm này khi nắm trong tay hơn 17.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù kênh trái phiếu được thúc đẩy với mong muốn giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tuy nhiên, trong không ít đợt phát hành trái phiếu DN, các nhà băng lại xuất hiện và ôm trọn lô

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) - khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần phân tích rõ thông tin trước khi quyết định đầu tư.

Khi tham gia mua TPDN riêng lẻ phải hết sức cẩn trọng; phải yêu cầu tổ chức môi giới, tổ chức phát hành cung cấp chi tiết các thông tin như trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, tình hình tài chính của doanh nghiệp như thế nào, phát hành cho mục đích gì? Trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không? Các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu; kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi chứ không phải chỉ vì lãi suất cao.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các nhà băng tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo đánh giá của cơ quan này, số dư đầu tư TPDN của một số ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng, đặc biệt số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn, trong khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một số ngân hàng còn đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.

Vì vậy Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng không được mua TPDN trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro…

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim đặt giả thiết, các ngân hàng thương mại đầu tư mua trái phiếu DN bất động sản không hẳn vì ham lãi suất cao mà đằng sau đó còn có thể là câu chuyện cơ cấu lại nợ. Ví dụ như đợt phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 3/6-31/7 của Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) được ngân hàng Quân đội (MB) mua toàn bộ, hay 800 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cp Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) phát hành ngày 9/5 đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua toàn bộ,... Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp thì lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.

Thị trường bất động sản thời gian qua có thanh khoản thấp, sản phẩm tồn đọng nhiều. Chắc chắn không ít DN có khoản nợ ngân hàng sắp đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu tiền trả nợ. Mà để lâu sẽ thành nợ quá hạn và nợ xấu, như vậy sẽ không thể tiếp tục được vay vốn. Giải quyết vần đề này, chỉ có cách phát hành trái phiếu DN

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định không loại trừ khả năng một số thương vụ mua trái phiếu BĐS từ phía ngân hàng với mục đích đảo nợ. Hoặc một số tổ chức khác có thể mua trái phiếu BĐS để vay cầm cố thế chấp lại ngân hàng. Như vậy nguồn vốn đó cũng từ phía ngân hàng ra và chảy vào lĩnh vực BĐS thay vì cho vay trực tiếp đang bị siết chặt. Các nghiệp vụ tài chính lòng vòng này đã khiến giải pháp kiểm soát dòng vốn chảy vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như BĐS của Ngân hàng Nhà nước bị mất tác dụng. Đó cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào theo dõi và có văn bản nhắc nhở vì đây là nghiệp vụ của ngân hàng nên không thể cấm. Trên thực tế không phải doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu cũng có người mua.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo TƯ về đổi mới và phát triển DN, lãnh đạo Chính phủ cũng cảnh báo cần lưu ý tới việc DN phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12-14%/năm. Quanh vấn đề này có nhiều lo ngại về hiện tượng phát hành riêng lẻ mà lãi suất rất cao việc các ngân hàng thương mại mua vào.

Ông Phạm Nam Kim cho rằng, gần đây, NHNN đã siết cho vay đầu tư bất động sản. Các ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN bất động sản thì tránh được “lệnh” siết và cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro. Thực ra đây là cách lách để cho vay bất động sản mà thôi.

Hoạt động này rõ ràng đang tiềm ẩn rủi ro cao so với cho vay vốn dự án. Bởi, nhiều dự án bất động sản đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Các dự án về condotel tại ven biển miền Trung, hay những dự án về chung cư tại các thành phố lớn, lượng khách mua rất thấp. Điều này sẽ tác động đến việc trả lãi và gốc của các DN phát hành trái phiếu.

NHNN nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này không hề đơn giản. Bởi đằng sau câu chuyện mua trái phiếu DN bất động sản, có nhiều vấn đề phức tạp, có thể liên quan đến các DN sân sau hay sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, vốn vẫn được nhắc đến.

Hoàng Tùng (TH)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/techcombank-vpbank-vietinbank-om-trai-phieu-doanh-nghiep-co-tiem-an-rui-ro-gi-d68269.html

Bạn đang đọc bài viết Techcombank, VPBank, Vietinbank ôm trái phiếu doanh nghiệp có tiềm ẩn rủi ro gì? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng