Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Điều gì xảy ra khi các ngân hàng cạnh tranh khốc liệt về huy động vốn?

DTVN 07:32 02/10/2019

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng về lãi suất huy động dài hạn khiến các chỉ tiêu hiệu quả như ROE, ROA sẽ về mức đáy thị trường.

Tăng trưởng dư nợ cho vay âm, ABBank vẫn đưa ra lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất

Theo Đầu tư Chứng khoán, hiện mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm tại ABBank, và điều này đã gây chú ý bởi ABBank là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm 5% sau 6 tháng, dù kế hoạch cả năm 2019 là tăng 17%.

Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng của ABBank cũng giảm 4% so với đầu năm, khi kế hoạch đề ra là tăng 28%. Việc giữ lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống có thể là động thái nhằm thu hút khách hàng gửi tiền của ABBank.

Mặc dù tăng trưởng dư nợ cho vay âm, nhưng ABBank vẫn đưa ra lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất

Một số ngân hàng quy mô nhỏ khác như OCB, BacA Bank hiện áp lãi suất huy động cao nhất ở mức ở 8,1%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Dừng ở mức 8%/năm kỳ hạn 12 tháng là NCB, BaoViet Bank, Bản Việt, SHB, nhưng hầu hết đều có khuyến mại tăng thêm lãi suất theo số dư tiền gửi, tiết kiệm online, hoặc kỳ hạn dài hơn…

Đáng chú ý với SHB, với tiền gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 8,9%/năm và kỳ hạn 13 tháng là 9%/năm.

Với Nam A Bank, lãi suất 12 tháng là 8,3%/năm nhưng nếu gửi 24 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi 8,45%/năm, hoặc được cộng thêm mức 1%/năm nếu gửi tiết kiệm online.

Hay Nam Á Bank với điều kiện tương tự, lãi suất 12 tháng là 8,3% và 24 tháng là 8,45%/năm.

Ngân hàng Bản Việt có lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng

Nhưng cao nhất có lẽ thuộc về Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) với lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Với các kỳ hạn khác 24-48 tháng, lãi suất áp dụng của ngân hàng này là 9,5-10%/năm.

Việc các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên cao, dù là cạnh tranh huy động vốn hay tái cấu trúc nguồn tiền gửi luôn là nguyên nhân chính khiến chênh lệch lãi suất cho vay - huy động ở các ngân hàng này thấp hơn đáng kể so với ngân hàng quy mô lớn. Đồng nghĩa với việc các chỉ tiêu hiệu quả như ROE, ROA cũng ở mức đáy thị trường.

Thực tế diễn biến thị trường hiện nay, do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tốt nên yếu tố cạnh tranh huy động là thứ yếu, cả hệ thống ngân hàng đang phải nỗ lực huy động vốn tiết kiệm dài hạn để thỏa mãn tỷ lệ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đây cũng là lý do tại sao, các ngân hàng lớn hơn cũng để mức chênh lệch huy động khá lớn giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài. Tại MBBank, lãi suất 12 tháng hiện ở 7,5%/năm, hay như VietinBank, BIDV, tiếp tục giữ lãi suất lên 7%/năm…

b

Khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng Bản Việt Viet (Capital Bank)

Diễn biến lãi suất huy động dài hạn theo chiều hướng tăng là ngược với “thông điệp” của NHNN khi mới đây cơ quan này đã đồng loạt giảm 25 điểm phần trăm cho các loại lãi suất điều hành.

Dù tính chất của việc tăng lãi suất này có “tính kỹ thuật” nhiều hơn chứ không phải lý do thanh khoản, nhưng về dài hạn, việc duy trì lãi suất cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất chung thị trường khó giảm, chi phí vốn cao của các ngân hàng cũng đồng nghĩa với kỳ vọng của các doanh nghiệp vay vốn về khả năng được hưởng mức lãi vay thấp hơn chậm xảy ra.

Vì sao ngân hàng muốn tăng cho vay phải tăng lãi suất huy động?

Theo Thanh niên, việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động là động thái hơi bất ngờ với thị trường bởi mới hồi đầu tháng 8, một số ngân hàng có nguồn vốn nhà nước giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với 5 ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, dao động từ 5,5 - 7,5%/năm cho kỳ ngắn hạn. Với lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến hiện từ 9 - 11%/năm. Động thái của các “ông lớn” trên thị trường được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng để các nhà băng khác giảm theo.

Thế nhưng từ đó đến nay, lãi suất huy động tiết kiệm trung dài hạn của các nhà băng vẫn tăng lên nên lãi suất cho vay khó có thể giảm trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, trừ một số ngân hàng lớn như VCB có dòng huy động vốn ổn định, lãi suất cho vay thấp; chỉ có một ít công ty nhận được lãi suất cho vay ở mức 5,5%/năm. Đa số khách hàng không dễ đáp ứng được các điều kiện ngân hàng đưa ra khi vay lãi thấp.

"Không phải ngân hàng nào cũng huy động được nguồn vốn tốt, một số ngân hàng nhỏ có hợp đồng cho vay trung dài hạn sau 2 năm ưu đãi, chắc chắn điều chỉnh lãi suất cho vay tăng. Việc đòi hỏi ngân hàng giảm hay giữ lãi suất cho vay trong bối cảnh chi phí huy động vốn tăng lên là điều khó", ông Hiển nhận xét.

Lý giải lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức 3 - 5%/năm nhưng ngân hàng phải trả lãi cao từ huy động vốn cá nhân, tổ chức, ông Hiển cho rằng, vốn liên ngân hàng chỉ giải quyết vấn đề thanh khoản nên ngân hàng có muốn tăng cho vay phải tăng lãi suất huy động. Cuộc cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng đang ngày càng tăng, với mức lãi suất trên 10%/năm kỳ hạn dài cho thấy ngân hàng đang tìm nguồn vốn ổn định trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa đường cong lãi suất trong thời gian tới không giảm mà có xu hướng tăng.

Theo ANTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-cac-ngan-hang-canh-tranh-khoc-liet-ve-huy-dong-von-d62315.html

Bạn đang đọc bài viết Điều gì xảy ra khi các ngân hàng cạnh tranh khốc liệt về huy động vốn? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng