Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì sao nói Việt Nam là 'mảnh đất vàng' của ngành logistics hàng không thế giới?

Theo Thanh Niên 16:13 30/09/2019

Đối tượng vận chuyển của logistics hàng không càng trở nên đa dạng. Đó là lý do mà các chuyên gia nhận định, trong những năm tới thương mại điện tử sẽ là yếu tố thúc đẩy logistics tăng trưởng đột biến

"Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics hàng không lớn nhất thế giới" - Đó là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tại Hội nghị và Triển lãm Quốc tế “Air Freight Logistics Vietnam" lần thứ 4 diễn ra sáng ngaỳ 20/9.

Đây là sự kiện lớn và duy nhất về vận tải hàng không, được Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics VN (VLA) phối hợp cùng Cục Hàng không dân dụng VN (CAAV) tổ chức hai năm một lần. Sự kiện quy tụ hơn 400 doanh nghiệp, 50 gian hàng của các đơn vị sử dụng và cung cấp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.

Nhìn thấy “tiềm năng vàng” trong hạn chế của ngành logistics Việt Nam

Cho đến nay, hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không ở Việt được vận chuyển theo mỗi chuyến bay rất hạn chế. Hàng hóa có không gian chứa hàng hạn chế, lại phải chia sẻ cho việc ưu tiên chứa hành lý của khách đi máy bay. Hơn nữa hàng hóa cũng chỉ được chở dưới bụng của những chiếc máy bay hành khách.

Năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển thông qua đường hàng không tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,23% tổng thị phần.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết trong 15 loại hình vận tải của nước ta hiện nay, đường hàng không chiếm tỷ phần thấp nhất.

Năm 2017, lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam là 1,13 triệu tấn, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 2,5 triệu tấn. Trong 1,13 triệu tấn đó thì hàng hóa vận chuyển trong nước chỉ chiếm 230.000 tấn, còn lại là hàng vận chuyển quốc tế.

Theo số liệu thống kê năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển thông qua đường hàng không tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,23% tổng thị phần, đường bộ chiếm tỷ trọng cao nhất với 93%.

Đối với vận chuyển hàng hóa trong nước, Vietnam Airlines là hãng dẫn đầu với 68% thị phần. Thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) chỉ chiếm 12%. 88% còn lại nằm trong tay 64 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, đối tượng vận chuyển của logistics hàng không càng trở nên đa dạng. Đó là lý do mà các chuyên gia nhận định, trong những năm tới thương mại điện tử sẽ là yếu tố chủ yếu thúc đẩy logistics tăng trưởng đột biến.

Tuy nhiên với đặc thù vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh, cùng với tốc độ phát triển hàng không "nóng" như hiện nay, vận chuyển hàng hóa bằng máy bay có tiềm năng rất lớn.

Tất cả những số liệu trên cho thấy hạn chế của ngành logistics tại Việt Nam, tuy nhiên cũng là cơ hội "vàng", là mảnh đất màu mỡ của ngành logistics mà Việt Nam chưa khai thác hết.

Theo nhận định của các chuyên gia, thì dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hàng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.

Những thách thức

Ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics hàng không lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, để phát triển ngành logistics hàng không tại Việt Nam, cần phải tính toán giải quyết những khó khăn sau:

Thứ nhất, hạ tầng mặt đất đang là một trong những thách thức lớn nhất vì hiện Việt Nam chỉ có 2 sân bay là Nội Bài và Tân Sơn Nhất có ga hàng hóa chuyên dụng, đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu.

Các nhà ga hàng hóa ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang khai thác hết công suất trong khi việc tìm thêm diện tích để mở rộng lại không hề dễ dàng.

Tân Sơn Nhất là 1 trong 2 sân bay có ga hàng hóa chuyên dụng, đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu.

Tại các sân bay khác, khu vực chuyên biệt dành cho xử lý hàng hóa hầu như không có, chưa nói gì đến trung tâm logistics hàng không.

Để đón đầu nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không đang gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long, Vietnam Airlines đang lập dự án xây dựng một trung tâm logistics hàng không ở cạnh sân bay Cần Thơ, tuy nhiên lượng hàng hóa chưa ổn định có thể là một yếu tố làm hãng hàng không này phải cân nhắc về quy mô của trung tâm đó.

Thứ hai, nhân lực được đào tạo phục vụ trong lĩnh vực logistics hàng không vẫn còn khan hiếm. Đây là một ngành hết sức đặc thù, do đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm.

Do đó, cần có một chiến lược bài bản và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thật sự phát huy hết tiềm năng của ngành vận tải này.

Theo Thanh Niên

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-noi-viet-nam-la-manh-dat-vang-cua-nganh-logistics-hang-khong-the-gioi-d62270.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nói Việt Nam là 'mảnh đất vàng' của ngành logistics hàng không thế giới? tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Tham gia bảo hiểm nhân thọ là có sự an tâm vì khách hàng sẽ có được nguồn tài chính đảm bảo trong trường hợp rủi ro như tử vong hay bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, dẫn đến mất nguồn thu nhập.