Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

Cuộc chiến 'hiển thị giá vé' của hàng không Việt Nam: Như nào cho đúng?

THEO ANTT 06:40 24/09/2019

Quy định về niêm yết giá vé nóng lên khi Vietnam Airlines kiến nghị yêu cầu các hãng hàng không thực hiện niêm yết giá vé đúng quy định, phải gồm thuế, phí.

Đầu tháng 9, Vietnam Airlines có văn bản gửi Cục Hàng không (Bộ GTVT) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), kiến nghị các hãng bay khác niêm yết giá vé bao gồm thuế, phí.

Vietnam Airlines cho rằng việc niêm yết giá không đồng nhất này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng. Việc này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, tính minh bạch với khách hàng và sự thượng tôn pháp luật.

Ngay sau đề suất của Vietnam Airlines, ngành hàng không Việt Nam dường như chia thành hai nửa với hai cách hiển thị giá vé khác nhau. Một bên là một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí và bên kia là niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.

Tranh cãi về hình thức niêm yết giá vé đang gay gắt giữa các hãng bay Việt, trong khi Vietnam Airlines đề xuất thống nhất dùng gross fare (giá vé bao gồm đầy đủ thuế, phí) để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, tính minh bạch với khách hàng và sự thượng tôn pháp luật, Vietjet Air lại cho rằng chính việc không công bố chi tiết thành phần giá vé như Vietnam Airlines mới là thiếu minh bạch, khiến khách hàng chịu thiệt khi phải chi trả cho một số dịch vụ mà họ không cần tới (như ký gửi hành lý).

Ảnh minh họa

Niêm yết giá có thuế phí hay không là quyền của doanh nghiệp

Trên thế giới, vẫn đang tồn tại song song cả hai cách niêm yết giá vé trên. oàn bộ các hãng hàng không ở Mỹ, gồm cả hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, đều đang hiển thị giá vé theo gross fare. Trang chủ của những hàng hàng không truyền thống lớn của Mỹ như Delta Airlines hay United Airlines đều hiển thị tổng cộng giá vé gốc và các loại thuế phí ngay từ khâu chọn chuyến đầu tiên của khách hàng.

Tương tự, các hãng hàng không giá rẻ của Mỹ như Southwest Airlines, Spirit Airlines cũng áp dụng hiển thị gross fare gồm giá vé gốc và thuế phí ngay từ bước hiển thị giá vé đầu tiên trên trang chủ.

Sở dĩ có xu hướng hiển này là do Bộ Giao thông Mỹ (DOT) đã yêu cầu tổng giá vé bao gồm các loại thuế phải được hiển nổi bật trên các sản phẩm quảng cáo bản cứng và trên website.

Theo quy định của DOT, các hãng hàng không vẫn có quyền tự do để cung cấp tới khách hàng các khoản mục phí ghi thành từng khoản, để khách hàng thấy được giá vé gốc, các loại thuế, phí. Tuy nhiên, các khoản này không được hiển thị với kích cỡ bằng hoặc lớn hơn kích cỡ hiển thị của tổng giá vé.

Các hãng bay thuộc nhóm các quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc hay các vùng lãnh thổ như Hong Kong, Đài Loan cũng niêm yết giá vé theo hình thức gross fare.

Một khu vực khác cũng thống nhất hiển thị theo hình thức bao gồm cả thuế phí trong giá vé máy bay là Trung Đông. Những hãng hàng không nổi tiếng của khu vực này như Emirates, Qatar Airways hiện niêm yết giá vé theo gross fare và các hãng hàng không Trung Đông khác bất kể quy mô đều chọn cách hiển thị này.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng bay duy nhất đang hiển thị giá vé theo hình thức gross fare. Các hãng bay còn lại là Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đều lựa chọn hiển thị net fare.

Các hãng hàng không của Mỹ đều hiển thị dạng gross fare (Ảnh: zing.vn)

Theo báo điện tử Zing.vn, xu hướng tương tự cũng đã tồn tại từ lâu tại Nam Mỹ. Các hãng hàng không lớn của khu vực này như Sky Airlines hay Jet Smart đang hiển thị giá vé theo hình thức net fare, không bao gồm thuế phí ở bước hiển thị đầu tiên.

Tại Hàn Quốc, hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ như Jeju Air, Air Seoul ... cũng thực hiện hiển thị net fare. Cách hiển thị giá vé của các hãng này tương tự với cách mà Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đang áp dụng, hiển thị giá vé gốc ở bước đầu và kê chi tiết ở các bước sau khi hành khách đã mua thêm các dịch vụ phụ trợ.

Điều này cũng tương tự một số hãng bay khu vực Đông Âu, chỉ hiển thị mức giá đẩy đủ ở các bước tiếp theo của quá trình đặt vé.

Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, người đã nhiều năm làm việc trong cơ quan chuyên nghiên cứu về giá của Bộ Tài chính cho ý kiến tại Dân Việt: "Cả hai hình thức trên đều phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế vì vậy các hãng hàng không có thể lựa chọn hình thức niêm yết giá phù hợp với mô hình hoạt động của mình".

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Dù hãng chọn hình thức niêm yết giá vé nào thì các khoản thuế, phí và dịch vụ đều được thể hiện minh bạch trước khi khách hàng quyết định mua vé.

Niêm yết giá có thuế phí hay không là quyền của doanh nghiệp, miễn là ghi rõ giá niêm yết là giá nào.

"Mỗi đề xuất công khai đều cần nghiên cứu một cách thấu đáo, có cơ sở pháp lý và thực tiễn. Đòi hỏi của Vietnam Airlines là vô lý, giống như chỉ được gọi là cơm chỉ khi nấu bằng gạo Việt Nam vậy. Kiểu đề xuất tùy hứng như vậy chỉ làm cho hình ảnh của bên đề xuất xấu đi, gây ồn ào không đáng có cho xã hội và mất thời gian của cơ quan quản lý", TS Ánh nhận định.

TS Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ thêm quan điểm: "Nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết, thực thi. Gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Việt Nam và các quốc gia ký kết, thông qua. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia mà đề xuất, hành xử như vậy thì đúng là tư duy rất ‘ao làng’!"

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cuoc-chien-hien-thi-gia-ve-cua-hang-khong-viet-nam-nhu-nao-cho-dung-d62050.html

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến 'hiển thị giá vé' của hàng không Việt Nam: Như nào cho đúng? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh