Ngày 16/6, với 95,98% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và cử tri cả nước.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống kinh tế-xã hội, có những vấn đề mới phát sinh, có những vấn đề đã tồn tại, kéo dài nhiều năm.
Đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón
Theo đó, đối với lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm.
Xây dựng và quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển quy mô thành viên và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; phấn đấu đến hết năm 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương OCOP; phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Xây dựng, khẩn trương thực hiện đề án tạo dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Đánh giá chính xác tình hình thế giới và nhu cầu trong nước, cân đối, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Không để xảy ra tình trạng thiếu chủ động về giống và vật tư nông nghiệp.
Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước và phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; khuyến khích sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có sản phẩm trọng điểm của sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm.
Xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán
Đối với lĩnh vực Tài chính, Quốc hội yêu cầu cần tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát;
Nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào và các vật tư chiến lược, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung - cầu, bình ổn giá.
Các Bộ, ngành, địa phương tính toán kỹ khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần phải đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung, vừa bảo đảm tiết kiệm ngân sách, vừa bảo đảm mua sắm được các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổ chức cơ cấu lại toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững, thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, quy định chặt chẽ việc chào bán, giao dịch, phương thức phân phối, xếp hạng tín nhiệm, trách nhiệm và biện pháp quản lý, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ trong quá trình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế và chế tài xử phạt; thiết lập thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường.
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát ở tất cả các cấp độ, từ các công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư trên thị trường vốn, bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, nhất quán và phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.
Ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo
Với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới.
Nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.
Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Nghiên cứu ứng dụng tiền kỹ thuật số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng.
Quốc hội cũng yêu cầu, nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng.
Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan.
Phối hợp, khai thác, sử dụng thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip trong việc quản lý hệ thống tài khoản tại các tổ chức tín dụng, hạn chế hành vi gian lận, mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, việc mua bán tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.
Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Đối với lĩnh vực Giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu, đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai các dự án giao thông theo đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối vùng, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng công trình, phù hợp với các quy hoạch liên quan và không gian phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án;
Khẩn trương nghiên cứu đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là về chính sách, pháp luật phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực để chủ động phòng ngừa; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình triển khai.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước.
Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng. Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước