Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Đường sắt mua 37 toa tàu cũ của Nhật Bản: Thận trọng khi đề xuất trái luật

LUẬT SƯ VIỆT NAM 15:04 22/10/2021

Việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất nhập khẩu 37 toa xe có niên đại 40 năm của Nhật Bản về khai thác sử dụng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa.

Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất từ năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí với giá 0 đồng để cải tạo, khai thác đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết việc nhập khẩu 37 toa tàu cũ chỉ mất chi phí vận chuyển, hải quan,... khoảng 140 tỉ đồng.

Đừng để Việt Nam trở thành "bãi rác" của thế giới

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, bản thân vô cùng ngạc nhiên khi biết được thông tin trên.

Bà An cho rằng, các toa tàu mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất mua đã quá niên hạn sử dụng. Đồng thời, Nghị định 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ là chỉ cho nhập khẩu toa xe không quá 10 năm.

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang rất được quan tâm và trong chủ trương phát triển kinh tế Chính phủ tỏ rõ quyết tâm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, bà An cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt.

“Việc tiết kiệm chi phí là tốt, nhưng đừng để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới. Vì vậy, việc giữ ba trụ cột phát triển xã hội bền vững đó là: Kinh tế, Môi trường và An sinh xã hội phải được đề cao”, bà An nói.

Về quan điểm, cá nhân bà An kiến nghị không nhập các toa tàu cũ về để vận hành.

Trái với quy định của pháp luật

Theo Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt nêu rõ, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị. Đối với toa xe chở hàng không quá 15 năm.

Cùng với đó, toa tàu khách được xem xét, kiểm tra theo Quy chuẩn QCVN 18: 2018/BGTVT do Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 30/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018. Những toa tàu cũ này phải đáp ứng được quy chuẩn này là quy định chi tiết về các điều kiện kỹ thuật và tính năng an toàn kỹ thuật, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Theo quy định pháp luật hiện hành thì không thể nhập và cấp chứng nhận đăng kiểm cho những toa tàu chở khách nước ngoài đã qua sử dụng trên 10 năm.

Theo Chủ tịch VNR, để nhập 37 toa xe này về Việt Nam và cải tạo khai thác cần 140 tỉ đồng, gồm 40 tỉ đồng vận chuyển và 80 tỉ đồng hoán cải, phần còn lại là chi phí tư vấn, dự phòng, đăng kiểm.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nếu có nhập khẩu số toa xe này về cần thành lập tổ chuyên gia có chuyên môn để thẩm định, đánh giá cụ thể tránh xảy ra tình trạng “tiền vá quá tiền may”, lường trước, đánh giá trước những lợi ích và rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng các toa xe này.

Cũng theo Luật sư Khuyên, phải chăng chúng ta không cải tạo được hệ thống hạ tầng đường sắt nên phải sử dụng công nghệ cũ, máy móc cũ theo kiểu "gọt chân cho vừa giày"?

"Đó là tư duy rất lạc hậu và bảo thủ một cách trì trệ, thay vì sử dụng máy móc cũ do nước ngoài cho miễn phí khi họ đã thải loại, thì chính chúng ta cũng phải cập nhật xu hướng hiện đại, nhập khẩu máy móc hiện đại thì mới bắt kịp được sự phát triển và công nghiệp hóa - hiện đại hóa được", Luật sư nói.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR số tiền 140 tỉ đồng dùng để vận chuyển, hoán cải, đăng kiểm số toa tàu của Nhật Bản nhượng lại sẽ do VNR tự huy động. Lãnh đạo VNR cho biết, nếu những toa tàu này được đưa về nước chúng ta có thể đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng – Quảng Bình... Đây là những tuyến rất phù hợp để khai thác. Thậm chí, ngành đường sắt còn có thể nghiên cứu thay thế tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Về tình hình kinh doanh của ngành đường sắt, năm 2019, sản lượng vận tải hàng hóa trong lĩnh vực đường sắt chỉ còn 5,1 triệu tấn so với 7,86 triệu tấn của năm 2010. Trong giai đoạn 2010 - 2019, đường sắt là phương thức vận tải hàng hóa duy nhất có tăng trưởng âm, với mức giảm bình quân khoảng 3,9%/năm.

Năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạt doanh thu hơn 4.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 17 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá hiệu quả kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rất thấp. Do sử dụng công nghệ lạc hậu, nên bộ máy của Tổng Công ty rất cồng kềnh với 26.000 lao động.

Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc. Trong đó, có 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước và gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.

Link gốc : https://lsvn.vn/duong-sat-mua-37-toa-tau-cu-cua-nhat-ban-than-trong-khi-de-xuat-trai-luat1634699654.html

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt mua 37 toa tàu cũ của Nhật Bản: Thận trọng khi đề xuất trái luật tại chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh