Dự án khu dân cư thương mại dịch vụ 43 ha Tân Phú được coi là “khu đất vàng” tọa lạc tại phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). |
Trong khi đó, các “nhóm lợi ích” liên quan đến các vụ việc về đất đai của Nhà nước thì có thể hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng một cách dễ dàng...
Thu lợi “khủng” từ thâu tóm đất vàng?
Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hình sự tại Tổng công ty 3/2 Bình Dương liên quan đến 2 khu đất 43 ha và 145 ha. Khu đất 43 ha được nhóm Công ty Kim Oanh thâu tóm thông qua mua 100% vốn góp Công ty Tân Phú từ Nguyễn Đại Dương, con rể Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Tổng công ty 3/2.
Trở lại các vụ việc nóng tại Bình Dương gần đây, Nhóm Công ty Kim Oanh cũng trúng đấu giá hơn 130 ha đất thuộc 3 Dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò, Hòa Lân tại Bình Dương của Công ty Thiên Phú do Agribank Chợ Lớn bán đấu giá thông qua Công ty đấu giá Nam Sài Gòn. Cả 3 dự án nhóm Công ty Kim Oanh đều được ưu ái trả chậm nhiều năm liền trong khi quy định bán đấu giá chỉ cho có 30 hoặc 45 ngày. Sau khi thu nợ, ngân hàng không thu đủ nợ vay, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn hàng ngàn tỷ đồng.
Theo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, việc tổ chức đấu giá đất ở cả 3 dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò, Hòa Lân đều có “những vi phạm giống nhau”, “được thiết lập trên một phương thức chung” và “Có một điều lưu ý, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Kim Oanh và Công ty Thuận Lợi cũng là một thành viên của Công ty Kim Oanh. Cả hai công ty này được Agribank Chợ Lớn tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi trong việc cho phép chậm thanh toán, trường hợp này có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, lợi dụng kẽ hở của Luật Đấu giá nhằm thâu tóm các dự án với giá thấp.”.
Dự án Hòa Lân tọa lạc tại cửa ngõ Bình Dương, Thuận Giao, thị xã Thuận An. Tổng diện tích đất của dự án xấp xỉ 50 ha, trong đó có 24,4 ha giao có thu tiền và 24,6 ha giao không thu tiền sử dụng đất. Ngày 25/5/2017, Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá với mức trả 1.353 tỷ đồng, cao hơn 10 tỷ đồng so với Công ty Thuduc House . Quy chế đấu giá quy định phải thanh toán xong trong vòng 45 ngày, kể từ ngày trúng đấu giá. Trước khi đấu giá, Thuduc House có văn bản gửi Ngân hàng sẵn sàng thanh toán ngay nếu trúng đấu giá. Hai năm sau, đến 20/05/2019, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết 1.353 tỷ đồng và 97 tỷ đồng tiền lãi do chậm thanh toán (8%/năm), tổng số 1.450 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn.
Dự án Khu dân cư Hòa Lân ( tỉnh Bình Dương), một trong những dự án được cho là có nhiều dấu hiệu sai phạm trong bán đấu giá. |
Tham khảo thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay, giá đất tại khu vực này khoảng 30 triệu đồng/m2. Chỉ tính phần diện tích hơn 24 ha đất giao có thu tiền thì dự án này có giá trị hơn 7.317 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần, với số tiền chênh lệch hơn 5.867 tỷ đồng so với giá Công ty Kim Oanh trả cho Ngân hàng tháng 5/2019.
Dự án Mỹ Phước 4 tọa lạc sát quốc lộ 13, thị xã Bến Cát, Bình Dương, Tổng diện tích đất của dự án 35 ha (gồm khu A, B1, B2), trong đó có 17 ha giao có thu tiền và 18 ha giao không thu tiền sử dụng đất.
Dự án Cầu Đò tọa lạc tại mặt tiền đường Hùng Vương, trục đường chính thị xã Bến Cát. Tổng diện tích đất của dự án 46,5 ha, trong đó có 28,7 ha giao có thu tiền và 17,8 ha giao không thu tiền sử dụng đất.
Ngày 05/12/2014, Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá khu A Mỹ Phước 4 và Dự án Cầu Đò với mức trả bằng giá khởi điểm 232 tỷ đồng. Thỏa thuận giữa ngân hàng với Công ty đấu giá quy định phải thanh toán xong trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán tài sản. Cùng ngày 05/12/2014, Agribank Chợ Lớn , Công ty Thuận Lợi, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn ký Hợp đồng mua bán tài sản. Sau 2 năm, đến 21/11/2016, Công ty Thuận Lợi mới thanh toán hết số tiền 232 tỷ đồng và 5 tỷ đồng tiền lãi. Tổng số tiền ngân hàng thu là hơn 237 tỷ đồng.
Ngày 09/10/2015, Công ty Thuận Lợi trúng đấu giá khu B1, B2 Mỹ Phước 4 với mức trả 77 tỷ đồng. Quy chế đấu giá quy định phải thanh toán xong trong vòng 30 ngày, kể từ ngày trúng đấu giá. Đến ngày 17/5/2017, sau 19 tháng, Công ty Thuận Lợi mới thanh toán đợt cuối 37,75 tỷ đồng, tổng số 77 tỷ đồng tiền trúng đấu giá và 3,3 tỷ đồng tiền lãi chậm thanh toán. Tổng số tiền ngân hàng thu là 80,3 tỷ đồng.
Tổng số tiền đấu giá cả dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò ngân hàng thu nợ làm tròn là 317,5 tỷ đồng.
Thu lợi, chênh lệch trên thực tế hàng ngàn tỷ đồng
Theo những tìm hiểu của phóng viên khi tham khảo thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay, giá đất tại 2 dự án này nhiều năm qua khoảng 10 triệu đồng/m2. Nếu chỉ tính trên tổng diện tích đất giao có thu tiền là 45,7 ha thì hai dự án này có giá trị 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần, với số tiền chênh lệch hơn 4.252 tỷ đồng so với giá nhóm Công ty Kim Oanh trả cho Ngân hàng.
Dự án khu dân cư thương mại dịch vụ 43 ha Tân Phú được coi là “khu đất vàng” tọa lạc tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ở vị trí đắc địa ngay giao lộ Võ Văn Kiệt - Phạm Ngọc Thạch, thành phố Thủ Dầu Một, gần tòa tháp đôi trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Cuối năm 2012, Cục thuế thông báo tiền sử dụng đất, thuế trước bạ Tổng công ty 3/2 phải nộp cho khu đất 43 ha là hơn 5 tỷ đồng, theo giá đất ban hành năm 2006. Nếu tính theo bảng giá đất năm 2012 thì số tiền phải nộp là 111.353.926.854 đồng.
Dự án khu dân cư thương mại dịch vụ 43 ha Tân Phú được coi là “khu đất vàng” tọa lạc tại phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). |
Chưa có gì trong tay, Nguyễn Đại Dương vẫn bàn bạc với bà Đặng Thị Kim Oanh và ngày 19/8/2016 Công ty Âu Lạc ký thỏa thuận với Công ty Thuận Lợi (Nguyễn Thuận, chồng bà Kim Oanh làm đại diện): Công ty Thuận Lợi mua lại toàn bộ khu 43 ha với giá 350 tỷ đồng bằng hình thức mua 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú. Công ty Âu Lạc cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn của Tổng công ty 3/2 để chuyển 100% cho Công ty Thuận Lợi, nếu không sẽ bồi thường 800 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương là người lập kế hoạch và thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật để giúp nhóm Công ty Kim Oanh thâu tóm Công ty Tân Phú theo thỏa thuận đã ký. Theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Minh, ngày 08/12/2016, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu 43 ha cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỷ đồng. Ngày 02/8/2017, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng 30% phần vốn góp Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng. Vốn góp của Tổng công ty 3/2 là 60 tỷ đồng, số tiền chênh lệch giữa phần góp và giá bán là 101 tỷ đồng. Công ty Âu Lạc đã có 100% vốn Công ty Tân Phú với toàn bộ khu đất 43 ha. Tổng số tiền Tổng công ty 3/2 thu về sau khi không còn khu đất 43 ha là 351 tỷ đồng (250 + 101). Đây thực chất là giá Tổng công ty 3/2 bán đứt khu đất, chuyển giao toàn bộ khu đất của Nhà nước cho tư nhân.
Giá mua 350 tỷ đồng của Công Thuận Lợi thâu tóm Công ty Tân Phú để có 43 ha đất là bất thường vì thấp hơn cả giá thực mà Tổng công ty 3/2 bán cho Công ty Âu Lạc là 351 tỷ đồng, chưa kể nhiều chi phí phát sinh. Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự định giá khu đất vào năm 2016 là 553 tỷ đồng (giá này chưa qua đấu giá), giá mua của Công ty Thuận Lợi chỉ bằng 63% mức giá này.
Sau khi thâu tóm Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh huy động vốn của hàng trăm khách hàng thông qua Hợp đồng vay tiền/góp vốn nhằm đầu tư. Đơn giá đất theo Hợp đồng lên đến hơn 43 triệu đồng/m2, gấp hơn 75 lần so với giá đất Tổng công ty 3/2 bán cho Công ty Tân Phú ban đầu. Chỉ tính tiền chuyển đến tài khoản Công ty Tân Phú, tổng số hơn 466 tỷ đồng, chưa kể giao dịch tiền mặt. Chỉ huy động một phần nhỏ của dự án, khi chưa có giấy phép, Công ty Kim Oanh đã thu về số tiền lớn hơn số tiền 350 tỷ đồng bỏ ra để mua Công ty Tân Phú nhằm có 43 ha đất.
Theo phê duyệt quy hoạch, khu đất 43 ha có đến 23 ha là đất ở, thương mại, dịch vụ, công trình hỗn hợp, riêng đất ở là hơn 20 ha. Tham khảo thông tin trên thị trường bất động sản hiện nay, giá đất tại khu vực trung tâm Bình Dương này dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, có những vị trí lên đến 100 triệu đồng/m2. Chỉ tính trên 23 ha đất, với đơn giá 30 triệu đồng/m2 (thấp hơn cả giá Công ty Kim Oanh dùng để huy động vốn từ những năm trước), thì dự án này cũng có giá trị 6.900 tỷ đồng, gấp gần 20 lần, với mức chênh lệch 6.550 tỷ so với giá Công ty Kim Oanh bỏ ra để thâu tóm Công ty Tân Phú.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương lại sẵn sàng thực hiện hành vi trái pháp luật để rồi lại bán rẻ, bán lỗ cho nhóm Công ty Kim Oanh mà không hưởng lợi gì, liệu có các thỏa thuận giao dịch thanh toán ngoài hợp đồng hay không?
Tất cả các giao dịch liên quan đến các dự án trên đều có dấu hiệu “nhóm lợi ích” chưa được làm rõ, số tiền chênh lệch ước tính mà “nhóm lợi ích” này có thể hưởng lợi lên đến hơn 16.500 tỷ đồng. Dư luận rất mong các cơ quan tố tụng thu hồi triệt để tài sản thất thoát trong các vụ việc trên.