Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Chủ tịch Thiên Ý Pharma tự 'vẽ' thêm công dụng sản phẩm, quảng cáo TPCN sai sự thật?

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM 15:20 22/10/2021

Trên livestream, ông Trần Sơn Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng có thể thay thế thuốc huyết áp, làm khỏi u não sau 3 liệu trình.

Có thể nói, trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối TPCN có dấu hiệu làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang, gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao. Đây là một trong những cơ hội để TPCN dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội… nhằm trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng TPCN do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều TPCN đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến cho nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Website https://thienypharma.vn/ (ghi thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma) giới thiệu hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về một số sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma phân phối được quảng cáo với những nội dung sai sự thật, không đúng công dụng, chất lượng do cơ quan y tế cấp phép, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Cụ thể, trên website https://thienypharma.vn/, sản phẩm Thiên Ý Trường Sinh ST được quảng cáo có các công dụng như: “Bồi bổ lục phủ ngũ tạng; Ngăn ngừa ung thư và chống lão hóa; Tăng cường và phục hồi hệ miễn dịch; Thanh lọc, thải độc tố bảo toàn cơ thể; Tăng cường chức năng sinh lý cho nam và nữ; Giấc ngủ sâu, thức dậy sảng khoái tràn đầy năng lượng; Da trắng sáng, căng bóng, mịn màng, các vết nám mờ dần; Giải tỏa căng thẳng, bứt rứt, suy nhược cơ thể, chán ăn, mệt mỏi; Giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đột quỵ và đau tim”.

Trong khi đó, theo giấp phép quảng cáo mà Bộ Y tế cấp cho sản phẩm này chỉ có công dụng là “Hỗ trợ tăng cường chống oxy hóa, bồi bổ cơ thể. Hỗ trợ giải độc gan và hỗ trợ tăng cường chức năng gan”.

Sản phẩm Thiên Ý Trường Sinh được quảng cáo có 9 công dụng, sai so với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.

Một sản phẩm khác là Dung nhan tố nữ ST cũng được quảng cáo có công dụng: “Giúp cải thiện tình trạng suy giảm nội tiết ở phụ nữ, giúp làm giảm nám, sạm da, cải thiện tình trạng bốc hỏa, mất ngủ, rụng tóc, khô hạn, loãng xương do thời kỳ tiền mãn kinh gây ra, giúp điều hoà kinh nguyệt và cải thiện tình trạng khô hạn của phụ nữ”.

Không dừng lại ở đó, trên trang Facebook Thiên Ý Pharma còn xuất hiện các video phát trực tiếp (livestream) của ông Trần Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma và nhân viên công ty quảng cáo về sản phẩm. Trong livestream, một người phụ nữ tên Hà khẳng định sản phẩm An Khớp ST nếu được uống kèm với An mạch ST hoặc Bổ máu ST thì có thể điều trị bệnh khớp, làm khỏi bệnh cơ xương khớp (bất kể thể hàn hay thể nhiệt). Người này còn giới thiệu đã từng theo học tại Trường Đại học Đông y, tuy nhiên thông tin này không rõ có chính xác hay không?

Người phụ xuất hiện trong livestream khẳng định sản phẩm An Khớp ST nếu được uống kèm với An mạch ST hoặc Bổ máu ST thì có thể điều trị bệnh khớp.

Cũng trong livestream, ông Trần Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nói rằng “nếu dùng sản phẩm An Khớp ST cùng với An mạch ST thì không cần dùng tới thuốc huyết áp”. Thậm chí, ông Tùng còn quảng cáo sản phẩm An mạch ST có khả năng “phòng tai biến, u não. Sản phẩm An mạch dùng 3 liệu trình là khỏi u não”?

Những quảng cáo của ông Trần Sơn Tùng và nhân viên rất dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng các sản phẩm như An Khớp ST, An mạch ST là thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ, không có công dụng "điều trị" hay làm khỏi bệnh. Thậm chí, nhiều bài đăng trên trang Facebook cá nhân và trang Facebook của công ty cũng chứa các nội dung sai sự thật về công dụng, chất lượng của sản phẩm so với cấp phép của Bộ Y tế và quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Xuất hiện trong livestream, ông Trần Sơn Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma quảng cáo sản phẩm An mạch ST có khả năng “phòng tai biến, u não. Sản phẩm An mạch dùng 3 liệu trình là khỏi u não”?

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Còn theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc lừa dối quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Đặc biệt, các thông tin quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát nhưng Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả Facebook để phối hợp giải quyết hành vi này một cách nghiêm khắc, dứt điểm.

Ông Phong cũng khuyến cáo, tất cả sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua.

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" như thuốc chữa bệnh hiện nay gồm: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Facebook) và website thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.

Đối với những thông tin phản ánh về việc Chủ tịch HĐQT và nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Ý Pharma quảng cáo sản phẩm TPCN sai sự thật, không giống với nội dung công dụng đã được cấp phép bởi cơ quan y tế, dư luận không khỏi thắc mắc nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, Thiên Ý Pharma có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm được cấp phép là thực phẩm chức năng nhưng lại được Công ty quảng cáo như thuốc chữa bệnh? Đây có phải là chiêu trò để công ty này thúc đẩy doanh số, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng?

Về vấn đề này, đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vào cuộc xác minh, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Link gốc : https://vietq.vn/chu-tich-thien-y-pharma-tu-ve-them-cong-dung-san-pham-quang-cao-tpcn-sai-su-that-d192864.html

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Thiên Ý Pharma tự 'vẽ' thêm công dụng sản phẩm, quảng cáo TPCN sai sự thật? tại chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư và Kinh doanh