Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, Tháp tài chính quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Đất vàng bỏ hoang gây lãng phí của Tập đoàn Bảo Việt |
Để thực hiện dự án, năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%. Thế nhưng, nhiều năm qua dự án vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc. SCIC đã đầu tư gần 200 tỷ vào dự án này. Còn theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án.
Một dự án khác có sự đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy.
Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.
Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng.
Hơn 7 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.
Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
Cụ thể, đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, có ý kiến chính thức về việc miễn giảm 50% tiền thuê đất cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt năm 2012; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/4/2018. Phó Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cục thuế TP Hà Nội thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát trước khi thực hiện việc xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện.
Kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Dù có một số nhỏ dự án đã bị thu hồi hoặc chấm dứt thực hiện trong thời gian gần đây nhưng tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây lãng phí một diện tích lớn nguồn lực đất đai đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo các thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) TP.Hà Nội, hàng nghìn hécta đất trên địa bàn thành phố bị bỏ hoang phí suốt nhiều năm qua do các chủ đầu tư chậm triển khai dự án hoặc vi phạm Luật Đất đai.
Quá trình rà soát các dự án sử dụng đất chậm triển khai và vi phạm Luật Đất đai, trong thời gian qua cơ quan này phối hợp kiểm tra, rà soát và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận cũng như đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định. Trong đó kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích hơn 1.844,3ha đất.
Kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn.
“Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án với tổng diện tích 39ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng” - Sở TNMT TP.Hà Nội cho hay.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Võ bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư trây ỳ. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo ông, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.
Còn Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu trây ỳ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
An Bình (TH)/ Sở hữu trí tuệ