Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 06/12/2024

Chuyên gia: Thị trường BĐS không bị khủng hoảng dù qua 2 đợt dịch

DTVN 14:23 07/09/2020

Mặc dù có tới 620 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 8 tháng đầu năm 2020, nhưng nhiều nhận định cho rằng, thị trường chỉ đang chậm một nhịp vì COVID-19 chứ thị trường không bị khủng hoảng.

620 doanh nghiệp BĐS giải thể

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, trong đó kinh doanh BĐS có 620 doanh nghiệp giải thể.

Trong đợt giãn cách xã hội lần 1, thị trường bất động sản gần như rơi vào trạng thái "ngủ đông". Bước sang quý II, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khá tích cực. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 đang diễn biến phức tạp gây ra những tác động, ảnh hưởng rất khó lường đến thị trường này.

Thực hiện một cuộc khảo sát đối với 15 ngành nghề chính bị tác động bởi đại dịch Covid-19, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tác động của Covid-19 đối với thị trường bất động sản là rất lớn.Theo ông Lực, bất động sản là một trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng giá trị sang nhượng bất động sản đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, khó khăn trong kinh doanh, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 30%-50% so với giá thuê trước đây, số mặt bằng trống tăng dần. Đối với phân khúc mặt bằng cho thuê, tại Hà Nội, loại hình nhà phố, nhà riêng cho thuê đều đang gặp khó khăn. Giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm tại nhiều quận huyện. Giá chào thuê nhà phố, nhà riêng giảm từ 2%-7% so với quý trước.

Nay dịch Covid-19 lại diễn biến phức tạp khiến nhiều cửa hàng nằm trên những con phố nhộn nhịp như Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bè, Hàng Bạc… phải đóng cửa im lìm. Hàng hóa ế ẩm không bán được cộng với tiền thuê nhà quá đắt đỏ khiến nhiều chủ cửa hàng buộc phải tạm thời đóng cửa hoặc cho thuê lại mặt bằng. Tại các phố Hàng Lược, hàng Đường, Hàng Bông và Hàng Da, chưa tới 100 m2 đã có 3-4 cửa hàng san sát nhau treo bảng cho thuê cửa hàng.

Dù vậy, nhiều nhận định gần đây cho rằng, thị trường bất động sản chỉ đang chậm một nhịp vì COVID-19 chứ thị trường không bị khủng hoảng.

Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề nội tại của thị trường BĐS

Theo VTCNews, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nhận xét, COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến bất động sản khi ít doanh nghiệp kêu khó. Theo ông, nếu đầu tư bài bản, quy mô lớn thì khủng hoảng từ 3 tháng đến 1 năm không đáng ngại.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản không gặp khủng hoảng dù qua hai đợt dịch. Ngành này chỉ đang chậm lại vì những tác động mang tính ngắn hạn còn lực cầu nội tại của thị trường rất lớn.

Còn chia sẻ với Vnexpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định sự sụt giảm của thị trường không phải khi dịch bệnh bùng phát mới có. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề nội tại. Năm 2018-2019, vì các vướng mắc về thể chế, pháp luật, thị trường đã gặp khó khăn.

Tháng 6, Quốc hội thông qua một số luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường... kỳ vọng tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn cho nhóm ngành này. Tuy nhiên, theo ông Châu, các luật này có hiệu lực vào đầu năm sau nên thị trường vẫn trong giai đoạn chờ đợi.

Môi giới là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch, tiếp theo là các doanh nghiệp nhỏ, vừa, mới thành lập hoạt động về cho thuê nhà phố, shophouse... Với các doanh nghiệp "gạo cội", ông Châu cho rằng không tránh khỏi khó khăn nhưng vẫn trụ vững.

Theo ông Lê Hoàng Châu, bất động sản có khả năng tự phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi đại dịch kết thúc, trên cơ sở khắc phục được những điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. Đại diện của HoREA kỳ vọng thời điểm các luật có hiệu lực cũng là lúc Covid-19 qua đỉnh, là điểm khởi sắc cho thị trường.

Dự kiến phục hồi từ cuối năm nay tới 2021

Trong báo cáo "Đánh giá giữa năm về triển vọng thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương" đưa ra mới đây, CBRE đã nhận định rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản từ cuối năm nay tới 2021 sẽ nhờ vào những diễn biến sôi động của phân khúc bất động sản công nghiệp và kho vận cũng như dấu hiệu phục hồi nhu cầu thuê văn phòng.

Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội cùng với những hạn chế trong việc đi lại đã được nới lỏng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song mức độ hồi phục của các hoạt động kinh tế cũng như bất động sản nhìn chung lại không đồng đều tại các thị trường.

Bà Đặng Phương Hằng - Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tin rằng sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm nay cho đến hết năm 2021".

Không chỉ vậy, bà Hằng cũng lưu ý rằng: "Trong khủng hoảng kinh tế lần này, lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp nhất nhằm giúp kích cầu cho thị trường bất động sản thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh chênh lệch giữa tỷ suất đầu tư vào bất động sản và trái phiếu chính phủ ngày càng lớn. Các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm vào bất động sản thương mại mặc cho lệnh hạn chế di chuyển và họ cũng đang tiếp cận các cơ hội đầu tư khác như các khoản nợ, tài sản có doanh thu ổn định và đất phát triển công nghiệp & kho vận".

Hà Linh (T/H)/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/chuyen-gia-thi-truong-bds-khong-bi-khung-hoang-du-qua-2-dot-dich-d82003.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Thị trường BĐS không bị khủng hoảng dù qua 2 đợt dịch tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc