Thực tế, trước những khó khăn bất khả kháng do dịch bệnh khiến hoạt động thi công, xây dựng của các dự án BĐS gần như bị ngưng trệ. Nỗ lực tiếp tục vận hành một cách nhỏ giọt, nhiều chủ đầu tư không thể đảm bảo việc bàn giao các căn hộ đúng theo thời hạn cam kết với khách hàng.
Theo các chuyên gia, với hoạt động kinh doanh bất động sản đặc thù là giao dịch trực tiếp do các yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý và giá trị sản phẩm cao, vì thế việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch ở các địa phương mà tình hình ngưng trệ này có thể một phần hay hoàn toàn.
Trong văn bản của Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... cho biết đang gặp nhiều rủi ro bủa vây.
Trao đổi với Zingnews, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết bên cạnh các kế hoạch kinh doanh bán hàng phải tạm ngừng, việc triển khai thi công xây dựng các dự án bất động sản mới cũng đình trệ nghiệm trọng. Điều này khiến hầu hết tiến độ thi công của các công trình đều bị ảnh hưởng.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết việc áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trong thời gian giãn cách xã hội những tháng vừa qua đã làm cho các công trình xây dựng của các dự án bất động sản bị ngưng trệ và ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
Nhà phát triển bất động sản Gamuda Land cũng cho biết, các dự án tại TP.HCM đã nhiều lần phải tạm dừng thi công tại công trường trong đợt bùng phát dịch cuối tháng 3/2021 đến nay, theo Zingnews.
Đại diện Gamuda Land khẳng định đã xem xét và nghiên cứu để vận dụng điều khoản bất khả kháng nhằm giảm thiệt hại do chậm bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, việc bùng phát dịch Covid-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng đúng theo pháp luật.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), đại dịch Covid – 19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), làm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị, chị V (ngụ Q.7, Tp.HCM) cũng là khách hàng đang nhận trễ nhà so với cam kết của chủ đầu tư (CĐT). Chị V cho hay, nếu ở thời điểm khác chị có thể khó chịu nhưng ở giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài hơn 18 tháng nay thì đó là tình thế bất khả kháng mà không ai mong muốn. Cho nên, lúc này thông cảm là cách để chia sẻ khó khăn cùng với thị trường BĐS nói chung, CĐT dự án nói riêng.
"Hơn nữa, giai đoạn này, nói thật khả năng xoay tiền để thanh toán theo tiến độ dự án của người mua cũng không đảm bảo, vì thu nhập giảm. Cho nên, việc các CĐT chậm tiến độ lại một chút so với kế hoạch ban đầu cũng có thể chia sẻ với nhau. Chứ nhận nhà giờ đóng một lúc 25% giá trị căn nhà (vài trăm triệu đồng) cũng là áp lực với người mua nhà. Như tôi đây, đã 4 tháng liên tục dịch kéo dài, thu nhập giảm nhiều, để xoay sở nhận nhà lúc này cũng là một vấn đề", chị V chia sẻ.
Công trình xây dựng ngưng hoạt động dẫn đến thực trạng, hầu hết các doanh nghiệp BĐS, kể cả doanh nghiệp lớn tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng như đã cam kết trước đó.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khẳng định việc dự án chậm tiến độ gây ra tâm lý lo lắng, khó chịu cho người mua nhà vì họ là người trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi khi dự án bị chậm tiến độ bàn giao. Đa phần người mua thường phải đi vay vốn mua nhà, phát sinh những chi phí ngoài dự tính.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam phân tích, tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài và các biện pháp giãn cách xã hội làm ngưng trệ mọi hoạt động từ 3 tháng nay nên các công trình xây dựng bị tạm dừng dẫn đến chậm tiến độ, hoặc chậm bàn giao nhà, đây là sự bất khả kháng.
Sự thấu hiểu và thông cảm của người mua nhà lúc này là cần thiết do việc chậm bàn giao nhà xuất phát từ tác động của dịch bệnh. Cùng với đó, nhiều CĐT cũng đã có những giải pháp phù hợp là giãn tiến độ thanh toán để chia sẻ khó khăn chung với người mua, nhất là những người mua bị ảnh hưởng thu nhập, dòng tiền vì dịch bệnh.