Trước đó, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) khẳng định nội dung thông báo do công ty T.P ban hành; tổ chức tháo dỡ công trình người dân khi không có quyết định cưỡng chế là trái luật, trái thẩm quyền.
“Khẩu thiệt vô bằng”!?
Thay vì nhìn nhận sự việc trên góc độ pháp lý, vận dụng những quy định của pháp luật phân tích, đánh giá bản chất sự việc, mức độ hành vi, từ đó có căn cứ, biện pháp, chế tài xử lý “đúng người, đúng tội” thì lãnh đạo thị trấn lại vận dụng, sử dụng yếu tố tâm linh để biện hộ cho hành vi trái luật mà cụ thể là hành vi tổ chức hủy hoại công trình của người dân.
Cụ thể, ông Hà cho biết việc phá dỡ công trình là do bà Hoàng Thị L…. nhờ doanh nghiệp phá dỡ vì cho rằng công trình có “vấn đề” về phong thủy cũng như yếu tố tâm linh.
“Tháo dỡ công trình là do bà Hoàng Thị L. nhờ Công ty T.P. phá, không có việc công ty tự ý vào tháo dỡ như người dân thông tin phản ánh”, ông Hà nói.
Vậy nếu lý giải việc phá dỡ công trình là do bà L. nhờ, vậy tại sao Công ty T.P lại có văn bản thông báo gửi hai lần đến chính bà L.? Và cả hai lần gửi đều cùng nội dung yêu cầu bà L. phải tự phá dỡ?
Bên cạnh đó, PV đề nghị cung cấp căn cứ (hợp đồng…) chứng minh việc doanh nghiệp phá dỡ công trình là do bà L. nhờ. Tuy nhiên ông Hà không cung cấp, đưa ra được căn cứ chứng minh. Thay vào đó, ông Hà từ chối đề cập lại nội dung này.
Về chế tài xử lý đối với hành vi trái luật của Công ty T.P. đã được chính quyền địa phương xác nhận trước đó, ông Hà lúng túng cho biết về hành vi của Công ty T.P. đã rõ nhưng không xử lý là bởi… thiếu quy định của luật?
Mặt khác, ông Hà cho rằng sự việc không nên giải thích trên góc độ pháp lý, quy định pháp luật mà cần nhìn nhận hành vi của doanh nghiệp dưới góc độ tâm linh. Nhưng vấn đề tâm linh là gì? Nhìn nhận, đánh giá ra sao thì vị chủ tịch thị trấn cũng không giải thích được.
“Xét về mặt pháp lý thì công ty không có thẩm quyền. Nhưng đấy là về pháp lý thì thế chứ về tâm linh thì nó vẫn tồn tại và nếu đem tâm linh để mổ xẻ ra pháp lý để xử lý thì nó khó”, ông Hà nói.
Thật khó có thể hình dung đây là cách mà người đứng đầu UBND thị trấn trả lời dư luận, nhân dân, báo chí khi đưa yếu tố tâm linh để giải thích, biện hộ cho việc làm, hành vi có dấu hiệu trái luật của doanh nghiệp.
Chủ thửa đất lên tiếng
Trước đó, lãnh đạo thị trấn trả lời báo chí khẳng định việc Công ty T.P phá dỡ công trình là do bà L. nhờ. Để rộng đường dư luận, khách quan, PV đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Hoàng Thị L. – chủ sở hữu thửa đất số 67.
Tại buổi làm việc, bà L. cho biết gia đình anh C. trước kia mượn nhờ gia đình bà một phần diện tích thuộc thửa đất số 67 để xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt và được bà L. đồng ý và không có bất cứ mâu thuẫn, tranh chấp gì sau này.
Bà Hoàng Thị L. chủ sở hữu thửa đất số 67 khẳng định không nhờ, hợp đồng thuê công ty phá dỡ công trình. |
Liên quan đến việc doanh nghiệp tổ chức hủy hoại công trình nhà anh C., bà L. hoàn toàn phủ nhận nội dung trả lời của lãnh đạo thị trấn. Bà khẳng định gia đình, cá nhân không nhờ, không hợp đồng thuê Công ty T.P phá dỡ công trình cũng như không có chuyện nhờ phá dỡ vì “vấn đề” phong thủy hay yếu tố tâm linh như ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch thị trấn Trại Cau đã trả lời với báo chí.
“Công trình đấy là của nhà anh C., việc phá dỡ công trình là do phía công ty tự làm, tự tháo dỡ. Tôi không nhờ, không hợp đồng thuê công ty tháo dỡ”, bà L. khẳng định.
Có ý kiến cho rằng lãnh đạo thị trấn đang thông tin không đúng sự thật, có dấu hiệu “bao che, tiếp tay” cho việc làm trái luật của doanh nghiệp!? Sự việc hủy hoại công trình người dân cần nhìn nhận dưới góc độ luật pháp để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.
Theo Sở hữu trí tuệ