Nhiều dự án đã và đang được thực hiện cho mục tiêu xây dựng đô thị thông minh này. |
Đổi mới căn bản, toàn diện
Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số của TP.HCM đến năm 2030 là TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và của một xã hội số.
Cụ thể, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công quốc gia; cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố được xác thực điện tử; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống trung ương...
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận-huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường-xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Nhiều dự án đã và đang được thực hiện
Hiện TP.HCM đang tiếp tục thực hiện và hoàn thiện 5 dự án thuộc dự án đô thị thông minh.
Cụ thể, dự án “Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh TP.HCM” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 2019 - 2022, tổng mức đầu tư là 958,67 tỉ đồng. Dự án nhằm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư, lắp đặt hệ thống trang thiết bị của trung tâm điều hành; xây dựng và cài đặt hệ thống phần mềm ứng dụng điều hành, phân tích dữ liệu…
Dự án thứ hai là “Xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TP.HCM thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư.
Với tổng mức đầu tư là 992,54 tỉ đồng, dự án sẽ đầu tư mua sắm các thiết bị chính như thiết bị di động cho lực lượng ứng cứu, hệ thống điều khiển vô tuyến... thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hệ thống tổng đài IP, mạng IP chuyên dùng cho tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, dịch vụ bản đồ số...Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2019 - 2025.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP.HCM - một trong những dự án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. |
Dự án thứ ba là "Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021", do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2019-2022, tổng mức đầu tư 548,07 tỉ đồng.
Dự án sẽ triển khai hệ thống tích hợp (phần cứng, phần mềm, bản quyền) cho 1.000 camera thuộc quản lý của Sở Giao thông vận tải, Công an TP.HCM, một số quận huyện và các camera giám sát an ninh trật tự của thành phố.
Ngoài ra, dự án cũng triển khai một số giải pháp phân tích hình ảnh nâng cao như phát hiện và cảnh báo các tình huống tụ tập đông người, phân tích mật độ giao thông (đông xe, ùn tắc...); triển khai khảo sát và bổ sung 400 camera cho một số vị trí trọng điểm, tòa nhà cao tầng...
Dự án thứ tư là “Triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc Kho dữ liệu dùng chung của thành phố - giai đoạn 1” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2019-2022, tổng mức đầu tư là 48,78 tỉ đồng. Dự án sẽ thực hiện mua sắm bản quyền và triển khai phần mềm hệ quản trị cơ sở dữ liệu lưu trữ cho kho dữ liệu gốc thuộc kho dữ liêu dùng chung của TP.HCM.
Dự án thứ năm là “Triển khai giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên địa bàn TP.HCM” do Văn phòng UBND thành phố làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2020-2022, tổng mức đầu tư: 127,011 tỉ đồng.
Dự án sẽ đầu tư mua sắm thiết bị và các giải pháp bảo mật cho các hệ thống thông tin của UBND thành phố; tư vấn, triển khai các sản phẩm mật mã để bảo mật các thông tin thoại, fax; thông tin lưu giữ trên các thiết bị điện tử và các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin khác theo yêu cầu cụ thể của UBND thành phố…
Những lợi ích mà người dân TP.HCM sẽ được hưởng khi dự án đô thị thành phố thông minh hoàn thiện Người dân sẽ được tạo cơ hội tối đa để được tham gia góp ý thông qua các trang thông tin, diễn đàn điện tử, mạng xã hội; tổng đài điện thoại, hệ thống thu thập ý kiến, đánh giá dịch vụ công, qua đó được tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng và phát triển đô thị. Với smart city, các thủ tục hành chính công được cung cấp dưới hình thức trực tuyến (qua Internet), cho phép người dân có thể thực hiện các dịch vụ hành chính công nhanh chóng. Các hệ thống điều khiển đèn tín hiệu thông minh giúp nhanh chóng thoát lưu lượng cho các khu vực khi phát hiện có (nguy cơ) ùn tắc. Các dữ liệu lịch sử về ngập nước, kết hợp với các nguồn dữ liệu khác như địa hình, xây dựng, giao thông, dân cư... được đưa vào các mô hình tính toán dự báo quy hoạch cho thành phố để đảm bảo có phương án chống ngập hiệu quả và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tiện ích từ hệ thống y tế mang tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. TP.HCM cũng sẽ cung cấp dữ liệu “mở” về cấp phép, an toàn thực phẩm, giúp người dân chủ động giám sát chất lượng cũng như phản ánh về tình trạng mất an toàn thực phẩm với chính quyền. Các hệ thống camera giám sát theo dõi tình hình an ninh, phát giác tội phạm, hỗ trợ phát hiện vi phạm (giao thông, lấn chiếm lòng lề đường...) để xử phạt từ xa, tạo môi trường sống an toàn. Nền giáo dục mang tính thực tiễn, chất lượng cao, các mô hình đào tạo trực tuyến cho phép người dân học ở mọi lúc mọi nơi, hướng đến xây dựng xã hội học tập. |
Theo Nhật My/Tạp chí Kinh tế Môi trường