Vinachem ước lỗ hơn nghìn tỷ đồng trong nửa năm 2020
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 và kế hoạch triển khai cho quý 3. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinachem ước doanh thu đạt 19,971 tỷ đồng (thực hiện được 43.4% kế hoạch năm) và lỗ 1,025 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết, doanh thu quý 2 Vinachem ước đạt 10.432 tỷ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quý; lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỷ đồng, bằng 43,4% kế hoạch năm.
Công ty mẹ Vinachem báo lỗ gần 1.200 tỷ đồng. |
Trong đó, riêng 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai) ước lỗ 1.907 tỷ đồng, tăng lỗ 1.326 tỷ đồng; các đơn vị còn lại lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo giải trình của Vinachem, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinachem gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt công tác.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá ở miền Bắc; hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón. Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.
Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty mẹ Vinachem ở mức gần 19.179 tỷ đồng, giảm 7% sau một năm.
Tổng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác của tập đoàn này lên đến 12.750 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng lên đến gần 6.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở Đạm Hà Bắc (2.658 tỷ đồng), Đạm Ninh Bình (2.313 tỷ đồng), Công ty DAP số 2 - Vinachem (802 tỷ đồng), Công ty DAP - Vinachem (131 tỷ đồng).
Theo báo cáo của Vinachem, quý I/2020, 4 doanh nghiệp kể trên tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019. Theo kịch bản do Vinachem đề ra, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên có thể lỗ tới 3.444 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 1.5 triệu tấn phân bón các loại; 1.4 triệu lốp ô tô; hơn 2.3 triệu chiếc săm lốp xe máy; 137 ngàn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất.
Một số sản phẩm của Vinachem có sản lượng tăng so với cùng kỳ như săm xe đạp tăng 19.1%, que hàn tăng 83.1%, chất giặt rửa tăng 11.6% song vẫn còn các sản phẩm có sản lượng giảm như lân chế biến, NPK, Urê, quặng apatit...
'Cứu' dự án hay mạnh dạn phá sản?
Chịu gánh nặng nợ nần ngày càng lớn từ khối nợ của các dự án thua lỗ, ngay chính Tập đoàn Vinachem cũng được nêu tên trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.
Trong khi đó, theo báo cáo kiểm toán, Công ty mẹ - Vinachem không có khả năng thanh toán khoản vay đến hạn nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm 31/7/2019 là 1.000 tỷ đồng.
Tình hình trở nên bi đát hơn khi đầu năm 2020, tác động từ dịch Covid-19 khiến loạt doanh nghiệp yếu kém càng lún sâu trong nợ nần, gia tăng sức ép và nguy cơ đối với Tập đoàn Vinachem. Trong quý I/2020, 4 doanh nghiệp kể trên tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kiến nghị mới đây gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem tiếp tục đề xuất Ủy ban báo cáo Thủ tướng cân nhắc các giải pháp gỡ khó cho các dự án.
Trong đó, gỡ khó cho một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án thua lỗ là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 2 - Vinachem, đồng thời cho phép các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được tiếp tục giảm 50% mức trích khấu hao tài sản cố định hàng năm theo phương pháp đường thẳng từ năm 2020 đến 2025, phần giá trị giãn khấu hao sẽ được phân bổ vào những năm còn lại của tài sản cố định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần mạnh dạn để thị trường thực hiện đúng vai trò định đoạt trên nguyên tắc chọn lọc của thị trường, thay vì tiếp tục dùng nguồn lực nhà nước gia cố thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico giữ nguyên quan điểm nên mạnh dạn cho phá sản doanh nghiệp để sớm thu lại các tài sản của Nhà nước đưa ra kinh doanh, giải phóng các nguồn lực đang tắc nghẽn, lãng phí như hiện nay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đối với các doanh nghiệp đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt, nhất là với các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài, thì phải thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định.
“Cần có một thời hạn nhất định để doanh nghiệp áp dụng phương án khắc phục, cơ cấu lại. Hết thời hạn này, doanh nghiệp không phục hồi được thì bắt buộc phải tính đến phương án phá sản, giải thể..., tránh càng kéo dài càng thêm gánh nặng nợ nần cho Nhà nước và chính doanh nghiệp”, ông Thịnh khuyến nghị.
Sang quý 3, lãnh đạo Vinachem đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 28.065 tỷ đồng; Doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỷ đồng; Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn dự kiến quý 3 lỗ 546 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh quý 3/2020, Vinachem dự kiến doanh thu đạt 10,210 tỷ đồng và lỗ 546 tỷ đồng. Trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinachem cũng dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9,622 tỷ đồng trong quý 3.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ