Doanh nghiệp bất động sản chủ động thay đổi chiến lược
Những tín hiệu khả quan trên thị trường cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư bất động sản đang dần quay trở lại. Để thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đang hoạch định chiến lược kinh doanh thời kỳ sau đại dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp còn đưa ra những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của Covid-19, nhưng nhu cầu đầu tư và nhu cầu sở hữu nhà ở luôn rất lớn tại thị trường Việt Nam. Sau 1 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản đã dần thích ứng với diễn biến thị trường và thay đổi mục tiêu, chiến lược trong năm 2021. Thậm chí, nhiều nơi sẵn sàng hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh và xác định đây là thời điểm tập trung phát triển thương hiệu và hoàn thiện bộ máy vững vàng hơn.
Một số doanh nghiệp đang phát triển mạnh hệ thống bán hàng, quảng bá sản phẩm trực tuyến và tăng cường giới thiệu sản phẩm qua các kênh thông tin điện tử. Việc “nuôi” mối quan hệ và tương tác khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau khi dịch kết thúc và thị trường ấm lên.
"Livestream" bán bất động sản
Năm ngoái, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp bất động sản mất 6 tháng kích hoạt trạng thái "ngủ đông", ngừng giao dịch. Tuy nhiên, năm nay, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt hơn, tìm nhiều cách để "xoay xở", ứng phó với đại dịch, trong đó, chuyển đổi sang bán hàng online đang là cách phổ biến. Nhiều sản phẩm có giá vài tỷ, vài chục tỷ đã xuất hiện trên chợ online nhà đất.
Từ tháng 4 năm ngoái, anh Vũ Kim Tuấn - một môi giới BĐS kỳ cựu, đã mày mò học cách livestream bán hàng trực tuyến. Hiện nay, mỗi tuần anh đều đặn lên bán nhà đất theo cách này.
Tuy nhiên, trong khi các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, khách hàng thường chốt mua ngay trên livestream, bất động sản lại khó hơn.
Theo các sàn, cách livestream chủ yếu là cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho khách hàng còn việc chốt mua thì cần phải có sự tư vấn sâu hơn giữa khách hàng và người môi giới. Vì vậy, các sàn vẫn phải duy trì song song, vừa tiếp thị truyền thống, vừa tận dụng kênh online.
Ông Tống Thanh Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty Sky Group, nói: "Chúng ta đã trải qua 3 đợt dịch, hiện tại khách hàng đã quen tiếp cận online. Thống kê chúng tôi chuyển đổi được, lúc đầu khách tiếp cận chỉ 5-10% nhưng hiện tại tăng lên 15%. Chúng tôi kỳ vọng tăng 15-17%".
Theo ghi nhận, hiện nay, hầu hết các đơn vị bán hàng BĐS đều sử dụng kênh online. Không chỉ dừng ở các tư vấn, livestream hay YouTube trải nghiệm mà các sàn còn tổ chức lễ mở bán online. Tuy hiệu quả chưa thể thay thế tức thì như bán hàng trực tiếp, nhưng rõ ràng, đây là kênh phù hợp với bối cạnh dịch bệnh hiện nay. Mặc khác việc bán hàng online cũng đang giúp thông tin nhà đất trở nên minh bạch hơn, cạnh tranh hơn.
Doanh nghiệp BĐS tìm cách ứng phó trong dịch COVID-19
Mọi năm, sau Tết Âm lịch, thị trường BĐS gần như chỉ hoạt động trở lại sau Rằm tháng Giêng nhưng năm nay, có vẻ như hoạt động sản xuất kinh doanh không thể chậm chễ. Các doanh nghiệp khẳng định, họ sẽ không để xảy ra tình trạng "ngủ đông".
Nhiều công trường đã hoạt động tấp nập trở lại với không khí sôi động, khẩn trương. Có được điều này là nhờ các chủ đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19 suốt 1 năm qua.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các công nhân đã quay trở lại làm việc trên công trường, trừ các công nhân đến từ vùng dịch. Năm ngoái, trong đợt giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhiều công trường phải tạm dừng hoạt động trong 1-2 tuần. Năm nay, các doanh nghiệp đều trông đợi đợt chống dịch sẽ có hiệu quả, tránh gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, họ sẽ tập trung xử lý hoàn thành các thủ tục pháp lý cho các dự án còn dang dở. Ngay sau khi tình hình ổn định, các công ty sẽ lập tức bung hàng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản BHS, chia sẻ: "Chúng tôi thúc đẩy làm việc online, làm việc tại chỗ. Họp online với đối tác, thời điểm có dịch thì chúng tôi làm online là chính".
Hiện nay, nguồn cung dự án không có nhiều trong khi nhu cầu mua BĐS để giữ tài sản vẫn cao. Cho nên, nhiều ý kiến cho rằng, giao dịch BĐS năm 2021 vẫn có nhiều tiến triển khả quan. Thậm chí, theo dự báo, giá phân khúc chung cư vẫn có thể tăng nhẹ, từ 1-4% so với năm ngoái. Phân khúc đất nền có thể tăng trên dưới 5%.
Nguồn video: Invest TV
T.Anh (TH)/SHTT