Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Đất công thành dự án nhà ở không qua đấu giá (bài 1): Dreamland Plaza số 23 Duy Tân

TẠP CHÍ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 14:00 14/07/2021

Nguyên giám đốc Công ty Giao thông công chính xác nhận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ dự án trụ sở công ty sang nhà ở không thông qua đấu giá.

Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ Dreamland Plaza, địa chỉ số 23 phố Duy Tân, nằm trên địa giới 2 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư.

Dự án có tiền thân là trụ sở Công ty CP Xây lắp Giao thông công chính (Công ty Giao thông công chính) và văn phòng cho thuê.

Phối cảnh dự án

Theo cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội (lần đầu tiên vào tháng 8/2009), trụ sở này có tổng diện tích đất 4.331m2, cao 19 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng tum; diện tích xây dựng 1.414m2, chiều cao công trình 78,8m. Cơ sở pháp lý cấp phép là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 082607, cấp ngày 11/7/2005.

Sau hơn chục năm “đắp chiếu”, tháng 1/2017, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký quyết định chủ trương đầu tư mới số 289, chấp thuận điều chỉnh từ dự án trụ sở Công ty Giao thông công chính sang dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ (thương mại, khách sạn, căn hộ) nhà ở và nhà trẻ - Dreamland Plaza.

Dự án có 2 nhà đầu tư là Công ty Giao thông công chính và Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland (đại diện liên danh).

Sau 8 tháng có quyết định chủ trương đầu tư (8/2017), ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định cho phép Công ty Giao thông công chính chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ 4.331m2 để liên danh với Công ty Vinaland để thực hiện dự án Dreamland Plaza.

Trong quá trình báo chí trao đổi để làm rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án Dreamland Plaza, một cán bộ truyền thông của Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland trả lời qua điện thoại: “Việc hợp tác kinh doanh giữa hai nhà đầu tư là chuyện nội bộ”.

Về phía Công ty Giao thông công chính, ông Nguyễn Văn Ngỡi - nguyên Giám đốc, người trực tiếp tham gia hoàn thiện hồ sơ dự án, cho biết, toàn bộ diện tích trên được TP Hà Nội cho thuê và nhớ lại, khi TP cấp phép xây dựng tòa nhà 7 tầng (khoảng năm 2002) là đất thuê 30 năm, đến khi phê duyệt xây dựng lên 19 tầng (khoảng năm 2009), thời gian cho thuê được nâng lên 50 năm, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Cũng theo ông Ngỡi, toàn bộ tiền GPMB đều do Công ty Giao thông công chính bỏ ra (lúc đó chưa cổ phần hóa, 100% vốn Nhà nước thuộc Sở Giao thông công chính).

Ông Ngỡi xác nhận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ dự án trụ sở công ty sang nhà ở không thông qua đấu giá.

Ngoài ra, trên giấy tờ pháp lý, Công ty Giao thông công chính là một trong hai nhà đầu tư nhưng ông Nguyễn Văn Ngỡi thừa nhận: “Tôi gần như không hề biết gì, mọi thủ tục đều do Vinaland làm, sau đó hoàn thiện họ trả quyền lợi. Công ty tôi chỉ có tài sản trên đất đã đầu tư trước đó, lúc liên danh tạm tính trị giá khoảng 5% tổng giá trị dự án. Khi dự án được triển khai xây dựng xong, chủ đầu tư trả lại 1 sàn văn phòng và 7 căn hộ, tổng giá trị chưa được 20 tỷ đồng".

Cũng theo thông tin mà ông Ngỡi trao đổi, hiện tại, do không có nhu cầu sử dụng nên công ty đã bán 7 căn hộ, sàn văn phòng cho thuê.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Đất công thành dự án nhà ở không qua đấu giá (bài 1): Dreamland Plaza số 23 Duy Tân tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản